Vụ 6 công an, bộ đội bị bắn trọng thương: Lời khai của nghi phạm đầu thú

09/01/2012 00:51 GMT+7

Sau hai ngày lẩn trốn, Đoàn Văn Quý, 46 tuổi (em ruột chủ đầm Đoàn Văn Vươn) ở xã Bắc Hưng, H.Tiên Lãng, Hải Phòng ra cơ quan công an đầu thú và khai nhận một số tình tiết vụ chống người thi hành công vụ bằng mìn và súng khiến dư luận bàng hoàng.

Sau hai ngày lẩn trốn, Đoàn Văn Quý, 46 tuổi (em ruột chủ đầm Đoàn Văn Vươn) ở xã Bắc Hưng, H.Tiên Lãng, Hải Phòng ra cơ quan công an đầu thú và khai nhận một số tình tiết vụ chống người thi hành công vụ bằng mìn và súng khiến dư luận bàng hoàng.

>> Tạm giữ 6 đối tượng liên quan vụ 6 cán bộ, chiến sĩ bị bắn

Chôn mìn đợi đoàn cưỡng chế

Theo lời khai của Quý, khi biết UBND huyện sẽ tiến hành cưỡng chế giải tỏa khu đầm vào hôm 5.1, gia đình Quý - Vươn rất bức xúc và chuẩn bị sẵn sàng chống trả. Do chỉ có một con đường dẫn vào khu nhà ở trên đầm thủy sản nên Quý chia thành hai chốt chặn nhằm ngăn cản lực lượng cưỡng chế. Tại chốt 1, ngay đầu đoạn đường, Quý cho đào một số hố, sau đó chôn mìn tự tạo (khối thuốc nổ được quấn bằng nylon có cắm kíp nổ ở giữa), để bình gas lên trên, để khi mìn nổ sẽ kích bình gas nổ, gây sức công phá lớn hơn. Sau đó, Quý dùng dây điện dẫn từ kíp mìn vào tận nhà.

 
Rà mìn trên lối đi vào ngôi nhà - Ảnh: P.H.S

Khoảng 8 giờ sáng 5.1, Quý ở trên tầng 2 ngôi nhà, quan sát qua ống nhòm thấy lực lượng cưỡng chế vào đến vị trí đặt mìn, liền đấu dây điện kích nổ. Vụ nổ khiến bình gas bị hất tung lên trời nhưng không nổ mà rơi xuống nước. Tiếp đó, Quý cùng Đoàn Văn Thoại (43 tuổi, em ruột Quý) và Phạm Văn Thái (33 tuổi, em vợ Quý) chạy đến chốt chặn thứ 2 là cửa sổ ngôi nhà. Quý dùng súng hoa cải dài hơn 1m nã đạn làm 2 bộ đội bị thương. Thoại và Thái (đội mũ len che kín mặt sử dụng khẩu súng như Quý) bắn tiếp nhiều phát làm 4 chiến sĩ công an trúng đạn, trong đó có Trưởng công an H.Tiên Lãng.

Sau khi gây án, cả ba xuống mỗi người một thuyền nan lẩn trốn theo nhiều hướng. Riêng Quý trốn vào khu rừng ngập mặn ngay gần nhà nằm im ở đó để chuẩn bị trốn sang Thái Bình. Sau đó, được gia đình vận động, Quý ra trình diện công an.

Bất thường từ vụ kiện hành chính

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, khi UBND H.Tiên Lãng có quyết định thu hồi đất tại khu vực trên thì nhiều chủ đầm, trong đó có ông Vươn đã phản đối. Lý do, họ đã đầu tư nhiều tiền bạc, công sức để cải tạo đất bãi bồi ven sông thành những đầm nuôi thủy sản. Nếu bị thu hồi, họ sẽ trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần. Vì thế, các chủ đầm đã khởi kiện vụ kiện hành chính về quyết định thu khu đầm của UBND H.Tiên Lãng. Năm 2009, TAND H.Tiên Lãng bác đơn khởi kiện, giữ nguyên quyết định thu hồi đất của UBND huyện. Các hộ dân lại tiếp tục gửi đơn kiện lên TAND TP.

Trong quá trình giải quyết vụ kiện, ngày 9.4.2010, thẩm phán Ngô Văn Anh, TAND TP tổ chức hòa giải giữa đại diện UBND H.Tiên Lãng và một số chủ đầm, trong đó có ông Vươn. Trong một văn bản được thẩm phán Anh lập tại tòa, có dấu đỏ của TAND TP.Hải Phòng với tiêu đề “Biên bản tạo điều kiện để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án”, có đoạn chỉ rõ: đại diện UBND H.Tiên Lãng là ông Phạm Xuân Hoa, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường đã thỏa thuận với người khởi kiện: nếu nguyên đơn rút đơn kháng cáo, UBND H.Tiên Lãng sẽ tạo điều kiện cho người dân được tiếp tục thuê đất để nuôi trồng thủy sản.

Ngay sau khi các hộ dân rút đơn kiện, ngày 24.10.2010, thẩm phán Anh ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Sau đó, UBND huyện liên tục ra công văn hối thúc các hộ dân phải chấp hành việc thu hồi đất với lý do bản án sơ thẩm của TAND H.Tiên Lãng có hiệu lực (vì tòa phúc thẩm đã đình chỉ giải quyết vụ án). Khi các hộ dân không chấp hành, ngày 5.1, UBND huyện đã quyết định cưỡng chế.

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Mai, Chánh án TAND TP.Hải Phòng cho biết: biên bản thỏa thuận của người dân và ông Phạm Xuân Hoa như trên chỉ là văn bản để tòa án căn cứ vào đó mà đình chỉ xử phúc thẩm vụ kiện. Vì thế, đương nhiên bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực. Bà Mai cũng thừa nhận, biên bản lập với nội dung như vậy có thể gây hiểu lầm cho người dân.

Chủ tịch huyện nói gì?

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND H.Tiên Lãng, cho biết: “Anh Vươn được giao đất với thời hạn 14 năm, hết hạn vào năm 2009, mức thuế đóng chỉ là 6 tạ thóc/năm cho cả diện tích khu đầm gần 40 ha. Theo quy định của luật Đất đai, khi hết thời hạn giao đất, chính quyền địa phương sẽ thu hồi đất. Nếu người được giao còn nhu cầu, chính quyền sẽ chuyển sang hình thức cho thuê đất. Từ năm 2009 đến nay, chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu anh Vươn bàn giao lại khu đầm để sau đó nếu anh có nhu cầu và làm đơn, UBND xã sẽ đứng ra cho thuê, thời hạn có thể là 5 năm hoặc 10 năm theo nhu cầu của anh Vươn và thẩm quyền của xã. Tuy nhiên, anh Vươn và các chủ đầm khác không đồng ý mà yêu cầu chính quyền phải giao đất chứ không thuê đất. Dù đã có nhiều biên bản được lập nhưng anh Vươn đều gạch bỏ từ thuê đất”.

Theo trung tá Đặng Văn Minh, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.Hải Phòng, Quý và gia đình đã chuẩn bị rất kỹ phương án chống lại lực lượng cưỡng chế. Sau khi bắn súng hoa cải, Quý còn đổ xăng vào rơm rạ đã rải sẵn lên các khối thuốc nổ rồi phóng hỏa nhằm tạo đám cháy để dễ lẩn trốn. Tuy nhiên, do trời mưa, rơm ẩm nên lửa không bùng lên, quả mìn vùi dưới rơm cũng không nổ.

Sau khi tiến vào ngôi nhà, công an thu giữ 2 bình gas, 1 quả mìn 2 kíp chưa nổ, nhiều dao và tuýp sắt. Về 2 khẩu súng hoa cải gây án, Quý khai mang hết lên thuyền nan, trong khi trốn thuyền bị lật nên đã rơi xuống sông. Quý cũng khai mua súng từ một người đi săn nhưng không giao dịch trực tiếp mà chỉ gọi điện thoại thông báo nơi để tiền và nơi nhận súng nên không biết rõ người bán.

Phạm Hải Sâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.