Tìm đến ảo thuật gia Minh Sang ở Bệnh viện Bình Thạnh, TP.HCM, tôi quá ngỡ ngàng. Ông đang điều trị ở bệnh viện sau cơn thập tử nhất sinh.
>> Kỳ 1: Tony Quang và màn “cưa người” để đời
Một nghiệp, một đời
Chân tay và một nửa người còn bị liệt nhưng giọng ông vẫn đầy chất sang sảng, chân chất của người phương Nam. Tuổi 60 đón ông bằng vô số bệnh tật: tiểu đường, huyết áp và cách đây 2 tuần sau vài ngày thăm bạn “già” Tony Quang, một ảo thuật gia lừng danh đất Sài thành, ông bị đột quỵ, liệt nửa người.
“Tôi lấy vợ 27 năm rồi. Hai vợ chồng không con cái nhưng vẫn sống với nhau sum vầy. Tôi cũng chưa bao giờ buồn hay muốn tìm thêm bến đỗ khác vì vợ là người chăm lo cho tôi suốt bao năm qua để tôi rảnh tay làm cái nghề mình thích trong khi bà ấy vò võ với cửa hàng bán vật liệu xây dựng mà chẳng bao giờ than thân hay trách phận gì. Tôi nợ bà ấy nhiều quá”, giọng ông chùng xuống. Chăm lo cho ông trong những ngày nằm viện là các cháu và vợ. Với ông như thế quá đủ đầy.
|
Năm 1970, Sài Gòn tổ chức Hội chợ Kỹ Nông Công Thương tại đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay. Những màn mô tô, người bay cuốn hút Minh Sang nhưng ông thật sự say mê vài trò biểu diễn của Đoàn ma thuật Á Châu như Chặt đầu để đĩa ca vọng cổ, Đâm dao vô bụng moi ruột gan, Mình nhện tay rắn mà đầu người… Trưởng đoàn lúc đó là thầy ông sau này - Hoàng Thọ - nhìn ông rắn rỏi, mạnh mẽ lại mê nghề nên hỏi ông có muốn theo không. Như bắt được vàng, Minh Sang gật đầu cái rụp. Từ đó ông chính thức theo nghiệp ảo thuật cho đến ngày bị đột quỵ, nhập viện.
Tháng 8.1975, Minh Sang làm việc cho Đoàn xiếc Độc Lập. Mỗi ngày diễn 5 suất, chủ nhật đến 7 suất. Năm 1978, Đoàn xiếc Độc Lập đổi tên thành Xiếc Tuổi Trẻ, tiền thân của Đoàn xiếc TP.HCM ngày nay. Minh Sang cộng tác mãi đến năm 2010. Sau đó ông tình nguyện gia nhập tổ chức Tâm Việt do các y, bác sĩ ở TP.HCM thành lập với mục đích từ thiện. “Sáng phát thuốc, khám chữa bệnh miễn phí, tặng quà cho đồng bào nghèo. Tối biểu diễn văn nghệ. Tôi theo đoàn đi khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ra tận miền Trung. Giờ nằm đây chứ vẫn theo dõi tin tức của đoàn qua điện thoại”, ông cười.
|
Nghèo nhưng không bỏ nghề
Minh Sang nói mình may mắn hơn khối anh em làm ảo thuật, xiếc vì còn có cái nhà để ở. Trước đây vợ chồng ông sống lay lắt trong căn nhà lụp xụp ở kênh Nhiêu Lộc, sau đó nhờ giải tỏa, nhà nước đền bù, bán cho căn hộ chung cư giá rẻ ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Tôi hỏi ông có buồn không khi mình cũng là nghệ sĩ bước ra sân khấu mà sao cuộc sống thiếu hụt quá. Ông cười, nụ cười của người cam chịu với số phận. “Nhà nước ít quan tâm đầu tư cho ảo thuật, xiếc thì làm sao anh em nghệ sĩ sống được? Cả Sài Gòn gần chục triệu dân chẳng có rạp xiếc hay nhà ảo thuật cho ra hồn làm sao phát triển loại hình nghệ thuật này? Nhiều người cứ nghĩ ảo thuật chỉ “lót đường” khi ca sĩ chưa kịp chạy sô đến một chương trình ca nhạc. Càng buồn hơn khi chúng tôi - những ảo thuật gia phải kiếm sống trong nhà hàng, quán nhậu rồi đêm về nằm mơ một nhà hát ảo thuật với âm thanh, ánh sáng chuẩn như ở nước ngoài. Buồn lắm!”.
Khi xem trò ảo thuật nào của thế giới, ông đều mày mò học hỏi, tìm cách lý giải, thực hiện. Minh Sang nổi tiếng trong làng ảo thuật nhờ tài bắt bông. Ông cầm trong tay 10 cái bông có lưỡi gà bên trong. Khi diễn chỉ lẩy chốt lưỡi gà, bông bung ra. “Nói nghe dễ nhưng để làm được trò này cực khó vì đôi tay phải luyện đến hàng siêu”. Ông còn có biệt danh “ông trùm khăn con rắn”. Một cái khăn vào tay ông trở thành con rắn uốn lượn như thật. Để làm được trò này, Minh Sang thú nhận phải là người có đôi tay “ma thuật”. Bí quyết thực hiện không khó nhưng để làm được như thật, sinh động đòi hỏi công phu luyện tập rất nhiều.
Theo ông, ảo thuật gia Việt Nam nhiều người rất giỏi nhưng không có cơ hội phát triển. Chủ tịch Hội Ảo thuật thế giới IMS (International Magicians Society) là Tony Hassini (Mỹ) từng đến nhà Minh Sang nhờ ông dạy cho trò Tiền 5 thì tức biến hóa tờ tiền từ 1.000 đồng thành 2.000 rồi 5.000, 10.000 và sau cùng là 20.000 đồng. “Tôi phải có đạo cụ tức tờ giấy bạc đặc biệt rồi do bàn tay khéo léo lúc xếp tờ tiền sẽ biến thành những mệnh giá khác nhau”. Rồi ông tiết lộ ngày xưa, khán giả mê ông nhờ các trò “độc”, đơn cử như Vòng lục tử khi diễn khán giả chẳng hiểu sao 4 chiếc vòng có thể tròng vào nhau được. Bí mật là có đến 6 chiếc vòng. 4 chiếc rời, trong đó 1 chiếc hở, 2 chiếc còn lại lồng sẵn vào nhau.
Minh Sang buồn bã khi nhìn lại những tay ảo thuật lão làng của Sài Gòn giờ chẳng còn ai. Đếm qua lại chỉ là Alik3, ông và Tony Quang - người đang bệnh nặng. Z27 sống ở Mỹ, còn bác Lê Văn Quý đã qua đời. “Kỹ năng về ảo thuật ai cũng có thể làm được nhưng hơn nhau ở phần diễn xuất. Ảo thuật gia đại tài chính là người “mê hoặc” được khán giả, làm khán giả cuốn theo ý mình mà không phát hiện ra “mưu mẹo” phía sau. Vì vậy rất nhiều người biết làm ảo thuật nhưng hiếm ai thành danh là vì thế”.
Minh Sang mơ ước có ngày ảo thuật Việt Nam được vinh danh khi giới trẻ ngày nay được tiếp cận với thế giới qua giao lưu, qua internet. “Bọn nhỏ giờ giỏi lắm, nhìn trên mạng có thể tự học và làm theo. Không có trò ảo thuật nào là dở cả mà chỉ có người diễn dở thôi”, ông nói.
Ông bắt tay tôi bằng bàn tay bị liệt. Bàn tay từng mê hoặc khán giả với vô số trò ảo thuật giờ mềm nhũn. Tôi xót xa cho ông, cho đôi bàn tay tài hoa giờ bất động như môn ảo thuật của nước nhà.
Đỗ Tuấn
Bình luận (0)