Đặc sản về phố

11/01/2012 10:07 GMT+7

Tết này người tiêu dùng có thêm những lựa chọn mới cho bữa cơm ngày tết cũng như những món “quà tặng lạ” cho người thân và bạn bè.

Để những món quà trở nên thiết thực và ý nghĩa, phù hợp với nhu cầu người tặng, nhiều nhà kinh doanh đã làm mới các sản phẩm truyền thống theo cách độc đáo nhất.

Đặc sản gia đình thành quà tết

Từ cuối tháng 12-2011, chị Diệp Ngọc (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã tất bật đi chợ sớm để chọn bắp bò ưng ý về làm món bắp bò rim mật mía, đặc sản của vùng Nghệ Tĩnh. Món đặc sản này trước đây chỉ dành riêng cho những gia đình khá giả nên không nhiều người biết đến, chưa kể cách chế biến khá cầu kỳ và tốn thời gian.

Theo chị Ngọc, để có món bắp bò ngon phải chọn loại bắp bò nhỏ và chắc, nếu bắp to quá phải chẻ ra sẽ mất đẹp. Bắp bò hoa có nhiều gân nên khi thái ra miếng sẽ có hoa văn trông ngon hơn bắp bò thường. Bắp bò để nguyên, rửa sạch, ướp với nước mắm, mật mía, riềng... khoảng 2-3 giờ, sau đó cho vào nồi đun nhỏ lửa liên tục khoảng 3 giờ là có thể sử dụng. Khi dùng có thể ăn kèm với bánh chưng hoặc xôi.

Chị Ngọc cho biết các năm trước chị chỉ làm cho gia đình thưởng thức và đem tặng bạn bè thân quen. Nhưng năm nay ngay từ cách tết cả tháng bạn bè và người quen đến đặt hàng từ sớm về ăn và làm quà tặng. Giá bán loại đặc sản này khoảng 320.000 đồng/ nửa ký.

Một trong những món ăn đặc biệt của vùng Hạ Long (Quảng Ninh) là chả mực nay cũng đã có mặt tại TP.HCM. Chị Hoài Trang, quản lý nhà hàng Mùa trên đường Trần Quốc Thảo (quận 3), cho biết ban đầu quán chị dùng món chả mực Hạ Long nhằm tạo sự khác biệt với khách hàng, nhưng do khách thử thấy ngon rồi đặt mua nhiều nên chị mở thêm dịch vụ bán món ăn này dịp tết.

Chị Hoài Trang cũng cho biết loại chả mực này ăn thơm ngon và có vị giòn, sần sật đặc trưng của mực biển nhưng lại khác hẳn so với mực một nắng. Để giảm giá vận chuyển, chị thử đặt nguồn cung cấp dùng mực Phan Thiết hay Vũng Tàu làm chả mực nhưng chất lượng không bằng. “Có thể do chất mực Hạ Long khác với mực miền Nam hoặc bí quyết pha chế của người Bắc” - chị Trang cho biết.

Chị Trần Ngọc Huệ, một đầu mối cung cấp chả mực từ Hạ Long, cho biết mực được đánh bắt trong vùng vịnh Hạ Long thường rất dày và có hương vị thơm ngon đặc biệt không hề lẫn với hương vị mực của nơi khác. Chả mực ngon nhất là cho từng miếng vào chảo dầu sôi rán đến khi vàng ruộm và ăn với xôi trắng hoặc dùng lai rai trong những bữa cơm ngày tết. Hiện giá chả mực Hạ Long loại 1 bán tại TP.HCM khoảng 500.000 đồng/kg.


Chị Hoài Trang giới thiệu món chả mực Hạ Long (phải) - Ảnh: T.Mạnh

Lời chúc ý nghĩa

Ngoài các loại bánh tét lá dứa đậu xanh, bánh tét nếp lá cẩm, nhân hột vịt muối..., năm nay thị trường có thêm loại bánh tét chữ với các câu đối mang thông điệp là những lời chúc đến người nhận như tân niên phú quý, toàn gia an phúc...

Ông Trương Văn Phúc - giám đốc Công ty thương mại Tú Mi, đơn vị sản xuất bánh tét độc đáo này - cho biết do năm đầu tiên đưa ra thị trường nên số lượng rất hạn chế, chỉ nhận làm theo đơn đặt hàng. Mỗi cặp bánh tét chữ có khoảng mười chữ cái, ghép thành một câu chúc hoàn chỉnh và có trọng lượng khoảng 5kg. Khi cắt ra nhân bánh là những chữ cái có sắc màu nổi bật và người sử dụng sẽ xếp thành câu chúc ý nghĩa. Để làm ra cặp bánh tét chữ, hai người thợ lành nghề phải mất một ngày rưỡi ngày công trong khi với các loại bánh tét thông thường, một người thợ có thể gói khoảng 30 cái/ngày.

Theo ông Phúc, bánh tét chữ phải đảm bảo về cảm quan mỹ thuật lẫn thưởng thức nên các nguyên liệu bánh cũng khá chọn lọc. “Chúng tôi dùng nguyên liệu tạo màu tự nhiên của lá cẩm, lá rau ngót, củ dền, tuyệt đối không dùng phẩm màu, hóa chất” - ông Phúc nói.

Ngoài bánh tét, nhiều món ăn dân dã, truyền thống trong ba ngày tết cũng được nhiều doanh nghiệp biến hóa thành những giỏ quà tết sang trọng và thiết thực. Bà Nguyễn Thị Thanh Lâm, phó giám đốc Saigon Food, cho biết trong 14 sản phẩm mới mà công ty đưa ra thị trường dịp Tết Nhâm Thìn, hầu hết các món ăn khá quen thuộc với người tiêu dùng nhưng nhờ biết kết hợp và đầu tư trong bao bì, tăng tính tiện dụng cho bà nội trợ nên được thị trường đón nhận. Từ thực phẩm chế biến sẵn dùng trong các thực đơn tiệc như tôm tẩm bột, xôi hải sản chiên phồng, dồi lươn đến những thực phẩm truyền thống ăn liền, không cần nấu như lạp xưởng tôm xông khói, cá thiều tẩm gia vị, cá bống cắt sợi.

Còn bà Ngọc Thúy, chủ cơ sở mứt Thành Long, cho biết ngoài các loại mứt truyền thống như mứt gừng, mứt dừa, mứt hạt sen..., thị trường năm nay có thêm loại mứt dừa nước. Mứt dừa nước được sên đường kỳ công để giữ được màu trắng đục của cơm dừa, ăn giòn và có vị ngọt đậm nhưng vẫn cảm nhận được hương vị thơm của dừa nước, giá khoảng 110.000 đồng/kg.

Cộng thêm giá trị cho hoa

Theo anh Trần Xuân Trường - Công ty TNHH Việc Nhà (TP.HCM), người mua hoa thường sử dụng những chậu hoa có sẵn của người bán thường không đẹp và nặng nề vì đa số chậu bằng sành sứ. Do đó, năm nay Công ty Việc Nhà đã đưa ra thị trường loại hộp gỗ dành để trồng hoa. Hộp làm bằng gỗ thông tự nhiên, có xử lý bằng sơn phủ chống thấm nước nhưng vẫn giữ được màu sắc tự nhiên của gỗ. Hộp này có nhiều kích thước và rất nhẹ, có tay cầm để người sử dụng dễ dàng di chuyển trong nhà hoặc làm quà tặng.

Với hình thức khá trang nhã, khi trồng hoa vào hộp gỗ sẽ tôn vẻ đẹp của cả hai và có thể đặt bất cứ đâu trong ngôi nhà mà không sợ bị “chướng”. Để làm tăng tính cá nhân của người chơi hoa, Việc Nhà cung cấp thêm dịch vụ in logo, các câu chúc trên mặt hộp theo yêu cầu của khách hàng.


Hộp gỗ làm tăng giá trị của hoa - Ảnh: Trần Mạnh

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.