Hy vọng cho bệnh nhân ung thư

12/01/2012 01:08 GMT+7

Cố gắng tìm tòi hướng đi mới, những tác giả trẻ đã tập trung nghiên cứu về căn bệnh ung thư nhằm làm vơi đi nỗi đau của người bệnh.

Cố gắng tìm tòi hướng đi mới, những tác giả trẻ đã tập trung nghiên cứu về căn bệnh ung thư nhằm làm vơi đi nỗi đau của người bệnh.

Hướng chẩn trị mới là mục đích trong nghiên cứu đầu tay của  Nguyễn Phan Cẩm Trang và Phan Thị Mỹ Hằng (sinh viên Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Mở TP.HCM).

Đề tài “Khảo sát mức độ Methyl hóa tại các đảo CpG thuộc vùng promoter của các gien RASSF1A, GSTP1, CYCLIN D2, BRCA1 và p16INK4A trong ung thư vú” của hai cô gái nói trên đã đoạt giải nhất Euréka.

Theo các tác giả, ở nước ta, ung thư vú là một bệnh phổ biến nhất trong các loại bệnh ung thư. Việc phát hiện ung thư vú thông thường bằng các kỹ thuật sinh thiết, sinh hóa, siêu âm… còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Trang và Hằng đã nỗ lực nghiên cứu về ung thư vú theo hướng mới - đó là tập trung vào hiện tượng bất thường các gien liên quan đến ung thư thuộc bộ gien của con người.


Cẩm Trang (phải) và Mỹ Hằng - Ảnh: nhân vật cung cấp
 

Trao đổi với chúng tôi, Cẩm Trang giải thích: “Đề tài này là công trình đầu tiên tìm hiểu về Epigenetics trên người bị ung thư vú. Đây là lĩnh vực nghiên cứu hoàn toàn mới, có thể nói nó là một trong những hướng nghiên cứu chính sau kỷ nguyên bộ gien người được giải mã thành công”. Trang cho hay, vì chọn lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ nên khi tiếp cận đề tài, nhóm đã gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình là tất cả tài liệu tham khảo đều bằng tiếng Anh. Có những tài liệu các bạn phải nhờ thông qua giảng viên hướng dẫn chính (TS Lê Huyền Ái Thúy) để chuyển từ nước ngoài về.

Đại diện nhóm tác giả chia sẻ: “Phương pháp nghiên cứu tiếp cận rất mới nên chúng em phải vừa học vừa ứng dụng lý thuyết lên đề tài cụ thể của mình. Ngoài ra, vì đối tượng nghiên cứu là các bệnh nhân ung thư vú nên phải tuân thủ những quy định về y đức đối với nguồn mẫu thu nhận từ những bệnh nhân đến khám và chữa bệnh tại Bệnh viện ĐH Y Dược. Bên cạnh đó, trang thiết bị nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nói chung rất “khiêm tốn”. Hóa chất sử dụng đa số nhập từ nước ngoài, nên đôi khi nghiên cứu bị gián đoạn”. Dẫu vậy, đề tài này bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Trang và Hằng tỏ ra lạc quan: “Quá trình thực hiện đề tài sẽ mở ra triển vọng chẩn đoán, phát hiện sớm và chữa trị ung thư vú, tiến đến ứng dụng thực tế nhằm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do ung thư vú”.

Truy tìm “nghi can” gây vàng răng

 “Tình trạng vàng, đen răng đã và đang tiếp diễn, gây tác hại cho cộng đồng cả về sức khỏe và thẩm mỹ”.

Đó là lời cảnh báo của bạn Phan Như Nguyệt (Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) thông qua đề tài nghiên cứu “Ô nhiễm fluor trong nước ngầm và đánh giá phơi nhiễm fluor cho người dân huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định” (đề tài này vừa đoạt giải nhất Euréka). Nguyệt nhấn mạnh: “Đây là vấn đề nan giải của bà con địa phương từ bao đời nay nhưng chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức”.

Lớn lên ở một vùng quê Bình Định bị ô nhiễm fluor, hơn ai hết, cô gái này thấu hiểu nỗi lo và khổ tâm của những người có bộ răng không hoàn chỉnh. Nguyệt tâm sự: “Em gái của em bị nhiễm fluor răng ở mức độ nặng. Hơn nữa, những lần tiếp xúc với người dân, lắng nghe những trăn trở, bức xúc, khát khao của họ, em tự dặn lòng phải làm gì đó cho bà con quê hương mình".

Vì vậy, ngay từ khi còn là sinh viên năm hai, Nguyệt đã quyết tâm thực hiện nghiên cứu đề tài này. Cô tiến hành khảo sát 50 mẫu nước giếng và 220 người dân (bằng bảng câu hỏi) từ 50 hộ gia đình ở ba xã Tây Phú, Bình Tường, Tây Giang thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nồng độ fluor trong nước giếng được khảo sát biến động trong khoảng từ 0,31 mg/lít đến 7,69 mg/lít. 100% đối tượng được khảo sát đều bị nhiễm fluor răng (fluorosis).


Phan Như Nguyệt - Ảnh: Lê Thanh 

Nguyệt dẫn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Nếu hàm lượng fluor thấp hơn 0,5 mg/lít có thể dễ mắc các bệnh sâu răng. Ngược lại, hàm lượng fluor cao trên 1,5 mg/lít có thể gây ăn mòn men răng, giòn và mục răng, làm đen răng hoặc đốm răng, ảnh hưởng đến thận và tuyến giáp. Đặc biệt, hàm lượng fluor trên 4 mg/lít còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ xương và có thể gây ung thư. “Cộng đồng bị nhiễm fluor một cách trầm trọng. Rủi ro sức khỏe do fluorosis đối với người dân huyện Tây Sơn là tất yếu” - Nguyệt nhận định.

Theo tác giả, khó khăn lớn nhất với cô lúc đi thực tế khảo sát là… chụp ảnh hàm răng của người dân. Nguyệt kể: “Người dân ở đây rất ngại chụp hình nên em phải năn nỉ, giải thích rất nhiều. Em nhớ mãi câu nói của cô bạn em: Đây là lần đầu tiên trong đời mình chụp ảnh mà dám cười. Không biết sau này làm giáo viên đứng trên bục giảng sẽ như thế nào”.

Đề cập đến việc nghiên cứu, cô gái trẻ tỏ ra rất tâm đắc với danh ngôn: "Không có con đường bằng phẳng nào cho khoa học. Chỉ có những ai không ngại khó nhọc trong khi trèo trên những con đường dốc của khoa học mới có cơ hội đạt được những đỉnh cao xán lạn của nó".

Như Lịch

Nguyễn Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.