Một tổ chức nghiên cứu rất có vị thế của Mỹ vừa kêu gọi nước này nhanh chóng tăng cường hiện diện tại biển Đông.
Trong khi căng thẳng xung quanh eo biển Hormuz đang thu hút sự chú ý của thế giới, Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS) kêu gọi Washington tập trung hơn nữa nguồn lực vào biển Đông, khu vực lưu thông hàng hải không kém phần quan trọng. Tờ National Defense Magazine dẫn báo cáo công bố tại hội thảo ở Washington vào ngày 10.1 cho hay CNAS thúc giục Lầu Năm Góc theo đuổi chính sách “ưu tiên hợp tác” tại biển Đông để có thể tránh xung đột trong tương lai với Trung Quốc đồng thời góp phần bảo đảm tự do hàng hải và hòa bình, ổn định trong khu vực.
|
Báo cáo dày 115 trang còn kêu gọi Mỹ tăng cường hạm đội hải quân từ 285 tàu chiến lên 346 chiếc. Theo đó, “sự tiếp cận bằng đường ngoại giao - kinh tế với Trung Quốc và các nước khác sẽ diễn ra tốt hơn nếu được chống lưng bởi một nguồn lực quân sự đáng tin cậy”. Báo cáo cũng ủng hộ chiến lược tăng cường hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương và khẳng định biển Đông là khu vực chiến lược quyết định vai trò tương lai của Mỹ trong khu vực này. CNAS là tổ chức nghiên cứu rất có uy tín và quan hệ mật thiết với chính quyền Washington. Một đồng sáng lập của tổ chức này là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương Kurt Campbell.
Trong khi đó, có tin Trung Quốc đang áp dụng một khái niệm an ninh mới, nhấn mạnh đàm phán hòa bình là giải pháp tối ưu khi giải quyết tranh chấp tại biển Đông. Phát biểu trên của Trợ lý Ngoại trưởng Lưu Chấn Dân được đăng trên tờ China Daily sau khi Philippines yêu cầu Trung Quốc giải quyết tranh chấp dựa trên Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS).
Ngoại trưởng ASEAN họp tại Campuchia Ngày 11.1, Hội nghị hẹp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã khai mạc tại Siem Reap, Campuchia. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Các bộ trưởng đã thảo luận về nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy đoàn kết trong hiệp hội, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại của ASEAN. Về biển Đông, các bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). TTXVN |
Thụy Miên
Bình luận (0)