Sau thành tích 6 tỉ USD của ngành thủy sản

12/01/2012 08:58 GMT+7

Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NN-PTNT), tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2011 là 6,1 tỉ USD, vượt 5,3% so với chỉ tiêu đề ra từ đầu năm và tăng khoảng 20% so với năm ngoái.

Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NN-PTNT), tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2011 là 6,1 tỉ USD, vượt 5,3% so với chỉ tiêu đề ra từ đầu năm và tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Trong hoàn cảnh kinh tế trong nước và thế giới đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì đó là một thành tích rất đáng để ăn mừng. Tuy nhiên, phía sau thành công đó vẫn còn không ít nỗi lo với mục tiêu phát triển tịnh tiến - tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm khoảng 500 triệu USD. Theo đó, mục tiêu của ngành này trong năm nay sẽ đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 6,5 tỉ USD, đến năm 2015 là 8 tỉ USD và năm 2020 là 10 tỉ USD.

Điều khiến nhiều người lo ngại cho triển vọng xuất khẩu trên là những khó khăn về nguyên liệu, thị trường và quản lý chất lượng thủy sản xuất khẩu. 3 vấn đề tưởng như riêng lẻ này lại có một mối dây liên hệ chồng chéo hết sức phức tạp. Trong thời gian qua, một bộ phận người nuôi tôm nói riêng và thủy sản nói chung có thói quen sử dụng thuốc kháng sinh vô tội vạ đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nguyên liệu đầu vào, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Cụ thể trong năm 2011, các cơ quan chức năng của Nhật Bản đã trả về 56 lượt sản phẩm (tôm) có dư lượng thuốc kháng sinh vượt quá mức cho phép. Trong khi đó, Nhật và Mỹ là 2 thị trường lớn, tiêu thụ đến 1/3 lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, việc đối tác thường xuyên phát hiện và trả về những lô hàng “lỗi” sẽ dẫn đến nguy cơ mất dần khách hàng một khi thị trường xuất hiện những đối thủ mới.

Chuyện các lô hàng có dư lượng kháng sinh cao, lẫn tạp chất, mạ băng không đúng quy định… cũng không phải là chuyện gì mới trong ngành thủy sản. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ sự quản lý thuốc dùng trong nuôi trồng thủy sản một cách lỏng lẻo của nhà nước, còn người nuôi thì sử dụng bừa bãi. Theo các doanh nghiệp, để đảm bảo chất lượng thủy sản xuất khẩu, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có cách tiếp cận đổi mới trong các thủ tục kiểm tra.

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.