Nghiên cứu về “sống thử”

14/01/2012 02:05 GMT+7

Một nhóm SV ĐH Tây nguyên vừa thực hiện đề tài khoa học “Quan niệm của SV về hiện tượng sống thử” cho thấy nhiều cách nhìn về vấn đề này của người trẻ.

Một nhóm SV ĐH Tây nguyên vừa thực hiện đề tài khoa học “Quan niệm của SV về hiện tượng sống thử” cho thấy nhiều cách nhìn về vấn đề này của người trẻ.

Nhóm tác giả nghiên cứu là 4 SV lớp Giáo dục tiểu học - tiếng Jrai K2008: Trần Thị Linh, Đoàn Thị Ánh Nguyệt, Đặng Thị Dôi và Huỳnh Thị Thanh Tuấn đã có cuộc khảo sát trên 300 SV ở Khoa Sư phạm với phiếu điều tra gồm 30 câu hỏi.

98% số SV được hỏi đều cho biết đã nghe chuyện sống thử trong SV và gần 60% cho rằng hiện tượng này là phổ biến và rất phổ biến. Sống thử ở đây là một nam và một nữ trong độ tuổi kết hôn sống chung với nhau, quan hệ như vợ chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn, chưa được sự đồng ý của hai bên gia đình. Tuy nhiên, sự hiểu biết của SV về sống thử rất khác nhau và không phải ai cũng hiểu đúng về sống thử. 37% SV cho rằng sống thử vi phạm pháp luật, phần lớn còn lại nhận định không vi phạm pháp luật. Về nguyên nhân, 71% SV nhận định sống thử là do tình yêu thôi thúc, 74% SV cho sống thử là do xa gia đình, 63% cho là để thỏa mãn nhu cầu tình dục…

 
Nhóm thực hiện đề tài quan niệm sống thử trong SV - Ảnh: Trung Chuyên

SV Trần Thị Linh, trưởng nhóm nghiên cứu đề tài, nhận xét: “Qua điều tra, ngoài những nguyên nhân như do cuộc sống xa gia đình, thiếu thốn tình cảm, hoặc chỉ “góp gạo thổi cơm chung” để tiết kiệm thời bão giá thì sống thử còn do để khẳng định bản thân, vì người khác sống thử được nên mình cũng muốn thử. Không phải bạn trẻ nào cũng thích sống thử, nhưng nhìn chung tâm lý của giới trẻ bao giờ cũng thích… thử”.

Phần lớn SV (85,7%) khi được hỏi đều nhận định sống thử ảnh hưởng đến chuẩn mực văn hóa, đạo đức của người Việt; 96% cho rằng sẽ gây hậu quả về sức khỏe, tâm lý, kết quả học tập, đôi khi khá nặng nề, nhất là đối với nữ. Tuy nhiên, có đến 67% khẳng định sống thử không phải là xu thế tất yếu của xã hội. Theo phân tích của nhóm thực hiện đề tài, khi vào học ĐH-CĐ, xa gia đình, SV tự lập hơn so với thời học phổ thông, trở nên tự do trong quan hệ với bạn bè và tình yêu; điều này làm tăng khả năng SV chọn sống chung trước hôn nhân. Những yếu tố như giới tính, năm học, kiến thức tình dục, định hướng từ gia đình cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan niệm của SV về sống thử.

Từ kết quả khảo sát trên, nhóm nghiên cứu đã có đề xuất ĐH Tây nguyên cần mở các lớp tập huấn về sức khỏe sinh sản; tổ chức nói chuyện chuyên đề tình yêu, hôn nhân, an toàn tình dục, giúp SV có định hướng, hành động đúng. SV Đặng Thị Dôi cho rằng: “Đoàn, Hội SV trường cần phát động phong trào SV xây dựng lối sống lành mạnh, văn minh, theo hiến pháp và pháp luật, chuẩn đạo đức hành vi của xã hội; tổ chức nhiều hơn các sân chơi bổ ích như câu lạc bộ, nhóm sinh hoạt cộng đồng cung cấp các thông tin, kiến thức liên quan về tình yêu, hôn nhân, cùng các hoạt động giải trí khác thu hút SV tham gia”.

 Trung Chuyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.