Ăn tết quê anh hay quê em?

14/01/2012 09:41 GMT+7

Những ngày cận kề tết, nhiều cặp vợ chồng trẻ ở TP.HCM lại lục đục chỉ vì chuyện tết này về quê nội hay quê ngoại khi hai quê cách nhau hàng trăm kilômet.

Đôi vợ chồng trẻ Bình - Minh những ngày này rất “căng thẳng”. Tưởng mọi chuyện đã thống nhất - về nhà vợ ăn tết - nhưng Minh cứ muốn thay đổi do mẹ anh thúc phải dẫn vợ về sum họp cùng gia đình cho vui. Thế là không ai chịu ai...

“Chiến tranh lạnh”

Bình quê ở miền sông nước An Giang, còn Minh - chồng cô - ở tận xứ núi Gia Lai. Quê hai người cách nhau cả hàng trăm kilomet, lại ngược đường nên mỗi lần tết đến họ thường chọn giải pháp luân phiên ăn tết ở từng quê. Nhưng tết năm nay, Bình đang mang thai nên cô rất muốn cùng chồng về quê ngoại ăn tết cho thoải mái. Mọi chuyện đã bàn bạc, nhưng Minh bỗng thay đổi ý kiến, cương quyết về quê nội. Thuyết phục chồng không được, Bình ấm ức đến phát khóc mỗi khi nghĩ cảnh lên Gia Lai ăn tết. Bình chỉ sợ đang mang thai, về quê nội ăn tết mà không phụ giúp, dọn dẹp nhà chồng cúng lễ thì khó coi lắm!

Cũng lấy chồng xa quê nên mỗi lần tết đến lại là nỗi “sợ hãi” đối với Kiều - quê ở Tây Ninh. Cô quen và yêu Thành (quê ở Thanh Hóa) từ khi cùng học chung đại học. Tết trước, Kiều theo chồng về Thanh Hóa ăn tết nhưng cô gái xứ nóng này lại rất sợ cái lạnh khô người ở Thanh Hóa dịp đầu xuân. Bố mẹ Kiều năm nay rất muốn hai vợ chồng về ăn tết, tiện thăm hỏi các gia đình họ hàng vì hồi cưới hai vợ chồng chỉ tổ chức tiệc ở Sài Gòn. Cứ tưởng sau năm đầu về Thanh Hóa ăn tết, năm nay chồng cô sẽ đồng ý về quê ngoại ở Tây Ninh cho gần, đỡ tốn kém chi phí đi lại, thế nhưng Thành khăng khăng về Thanh Hóa với lý do cả năm về ngoại nhiều rồi, tết tranh thủ về quê nội, khiến hai vợ chồng “lớn tiếng” với nhau.

Chia đều hai quê

Cùng hoàn cảnh vợ chồng xa quê, nhưng để tránh chiến tranh lạnh, họ linh hoạt trong thời gian nghỉ tết dài ngày để tranh thủ vừa ăn tết ở quê nội lẫn cả quê ngoại. Dù vất vả một chút nhưng vừa lòng cả vợ chồng và gia đình hai bên nên phương án này được nhiều cặp vợ chồng áp dụng.

Diễn và My đang công tác trong lĩnh vực bảo hiểm ở một công ty lớn TP.HCM. Quê Diễn tận ngoài Huế, còn nhà My ở Vũng Tàu. Năm nào cũng vậy, hai vợ chồng đều lên kế hoạch từ rất sớm để đặt vé máy bay về ăn tết ngoài nội từ trước tết, đến sáng mồng 3 tết lại bay vào Nam, về Vũng Tàu ăn tết muộn cùng ông bà ngoại thêm vài ngày nữa rồi trở về TP.HCM làm việc. “Dù vội vàng, bất tiện một tí nhưng cố gắng thôi” - My nói. Cũng có tết, về nhà nội vui quá, gặp nhiều bạn bè cũ nên Diễn thường nói vợ nấn ná ở lại Huế thêm vài ngày. Không muốn đầu năm cãi nhau nên My chiều ý chồng, điện thoại xin lỗi ba mẹ vào trễ vài ngày.

Sau nhiều lần cãi vã chuyện ăn tết ở quê nội hay ngoại, Hoàng - kế toán trưởng một công ty ở Bình Dương - quyết định tết này tranh thủ ăn tết cả ở Nha Trang, quê anh và Đồng Nai, quê vợ. Cũng bởi năm nay, vợ chồng anh mới sinh một “quý tử”, nên ai cũng muốn về sum họp gia đình để chia sẻ niềm vui đầu xuân cùng ông bà. Vì thế phương án về Nha Trang ăn tết đến tối mồng 2 rồi vào lại Đồng Nai làm cả hai gia đình nội ngoại đều vui.

Vợ chồng xa quê có thể là điểm chung của những bạn trẻ lên thành phố lập nghiệp, nhưng để hài hòa chuyện về quê ăn tết và tránh cãi vã, các đôi vợ chồng trẻ nên có kế hoạch sẵn và nhường nhịn nhau để có cái tết vui vẻ, ấm áp. Bởi quê nội hay ngoại cũng là mái ấm của mình.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.