Một kiểu kinh doanh tội ác?

14/01/2012 09:16 GMT+7

Xe cộ, phương tiện chỉ chạy, vận hành được khi có xăng, dầu. Vậy mà, chỉ vài tháng qua, hàng chục vụ cháy xe ôtô, xe máy bất thường xảy ra liên tiếp, gây nhiều hậu quả thiệt hại về vật chất và con người, thách thức các nhà quản lý, kỹ thuật và tư pháp hình sự.

Trong điều kiện phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, có thể nói xe máy, ôtô vẫn là phương tiện lưu thông chính, là cả một khối tài sản của mỗi gia đình, cá nhân tích góp được từ mồ hôi, nước mắt. Đó là chưa kể, giá cả mọi thứ hàng hóa trong xã hội đều trực tiếp hay gián tiếp chịu sự ảnh hưởng của giá xăng dầu.

Dư luận xã hội xôn xao, người dân cảm thấy bất bình khi loạt bài của nhóm phóng viên báo Thanh Niên, bằng lòng dũng cảm, mưu trí và tác nghiệp báo chí nhuần nhuyễn, đã dần bóc tách một phương thức kinh doanh một số doanh nghiệp và một nhóm người, thông qua  “công nghệ pha chế” bằng các chất phụ gia, chất giãn nở khác, đưa vào tiêu thụ sản phẩm xăng dầu không bảo đảm chất lượng. Họ thực hiện hành vi vi phạm theo một quy trình chặt chẽ, khép kín, thủ đoạn tinh vi, vận dụng cả các yếu tố kỹ thuật, hóa học, sang chiết ở những khu vực xa vùng dân cư, hẻo lánh hoặc được che chắn qua những tấm bình phong khác. Họ lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý, không loại trừ có sự tiếp tay hoặc làm ngơ của một số cá nhân có trách nhiệm. Những đối tượng nói trên đã nhẫn tâm chà đạp lên những nguyên tắc và đạo đức kinh doanh tối thiểu, tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, coi thường tính mạng, tài sản của người dân. Không thể tìm từ ngữ nào khác hơn khi phải chỉ đích danh những hành vi nói trên là một dạng “kinh doanh tội ác”.

Nhìn từ góc độ quản lý, cần phải xem xét trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan trước hành vi sai phạm nghiêm trọng này. Xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược, gắn rất chặt với đời sống dân sinh và phát triển sản xuất, kinh doanh. Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, là một trong những chỉ số đánh giá mức độ lạm phát và độ tin cậy trong chính sách quản lý giá của Nhà nước. Mặt hàng này lại được quản lý, điều hành bởi các doanh nghiệp Nhà nước có uy tín, có những ưu đãi và thị phần gần như độc quyền trong kinh doanh. Liên quan đến ngành hàng kinh doanh đặc thù này, việc pha chế xăng dầu là quá trình trộn sản phẩm, bán thành phẩm xăng dầu, phụ gia và các chế phẩm khác để chuyển hóa thành sản phẩm xăng dầu, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có đủ điều kiện kinh doanh, pha chế với cơ sở vật chất, tuân thủ theo những tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp như được quy định trong Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15.10.2009 của Chính phủ.

Điều 28 của Nghị định này cũng quy định chỉ được phép lưu thông xăng dầu trên thị trường Việt Nam có chất lượng phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và Tiêu chuẩn công bố áp dụng. Thương nhân kinh doanh xăng dầu phải thực hiện các quy định hiện hành về quản lý chất lượng xăng dầu trong quá trình nhập khẩu, sản xuất, pha chế, tồn trữ, vận chuyển và bán cho người tiêu dùng; chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối thuộc mình quản lý. Phải bảo đảm độ chính xác của dụng cụ đo lường xăng dầu bán cho các đối tượng sử dụng; bán đủ số lượng, đúng chất lượng. Thông tư số 11/2010/TT-BKHCN ngày 30.7.2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ đã quy định chi tiết trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xăng dầu là phải bảo đảm lượng xăng dầu trong mua bán, thanh toán với khách hàng theo đúng quy định của pháp luật về đo lường. Chỉ được đưa vào lưu thông trên thị trường các loại xăng dầu đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo quy định tại Thông tư này.

Nhằm xử lý những vi phạm liên quan lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, có thể xử lý bằng biện pháp hành chính theo quy định tại Nghị định số 104/2011/NĐ-CP ngày 16.11.2011 (có hiệu lực từ ngày 01.01.2012) đối với những hành vi vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu là hành vi của cá nhân, tổ chức cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu mà không phải là tội phạm và theo quy định của Nghị định này bị xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, vụ việc này có dấu hiệu của tội phạm, cần phải được khởi tố, điều tra và xem xét trách nhiệm hình sự đúng mức. Xét trên từng dấu hiệu cấu thành tội phạm, tùy thuộc tư cách chủ thể của người vi phạm, các hành vi nói trên có thể phạm vào một trong các tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự như: Tội trộm cắp tài sản (điều 138) với thủ đoạn lén lút nhằm trộm cắp tài sản trong quá trình lưu trữ và vận chuyển; tội sản xuất, buôn bán hàng giả (điều 156) với hành vi khách quan pha chế các chất phụ gia làm ảnh hưởng và không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn xăng dầu quy định; và tội tham ô tài sản (điều 278) với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Những đối tượng nói trên có thể bị xem xét theo các tình tiết định khung hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự như có tổ chức, lợi dụng chức vụ quyền hạn, dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm, thu lợi bất chính lớn và gây hậu quả rất nghiêm trọng….

Theo Luật sư Phan Trung Hoài -
Báo Lao Động Cuối tuần

>> Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm - Kỳ 5: Truy trách nhiệm cây xăng và doanh nghiệp đầu mối
>> Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm - Kỳ 4: Thanh tra các cửa hàng bán xăng dỏm
>> Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm - Kỳ 3: “Ảo thuật” dầu DO, FO
>> Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm - Kỳ 2: Hàng trăm nghìn lít mỗi ngày
>> Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.