Một năm “Mùa xuân Ảrập”

15/01/2012 14:06 GMT+7

Ngày 14-1-2011, phong trào nổi dậy kéo dài trong nhiều tuần ở Tunisia đã đạt được mục đích, lật đổ Tổng thống Zine el Abidine Ben Ali. Giờ đây, tất cả những gì Tunisia cần là khẩn cấp vực dậy nền kinh tế, cải thiện chất lượng sống cho người dân.
 
Thay đổi cục diện quyền lực

Ngày 14-1-2012, một số quốc gia, trong đó có những quốc gia đã thực hiện thành công “Mùa xuân Ảrập” đã tổ chức lễ kỷ niệm một năm ngày Tổng thống Tunisia Ben Ali phải trốn chạy khỏi đất nước. Cục diện chính trị của thế giới Ảrập đang có những bước chuyển mình.

Ở Tunisia, đảng Hồi giáo Ennahda gần như đã bị cấm dưới thời ông Ben Ali lại giành được 41% phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử lịch sử hồi tháng 10-2011. Tunisia cũng là quốc gia đầu tiên thực hiện phong trào “Mùa xuân Ảrập” tiến hành bầu cử dân chủ. Đối với Libya, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya (NTC) M.A.Jalil tuyên bố khẳng định pháp luật của nước Libya mới sẽ dựa trên cơ sở luật Hồi giáo. Bầu cử Quốc hội Morocco tháng 11-2011 cho kết quả thắng lợi lần đầu tiên thuộc về đảng Công lý và Phát triển (PJD) Hồi giáo. Tại Ai Cập, kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Hạ viện đợt 3 của nước này cuối tuần trước đã mang chiến thắng với sự áp đảo về cho các đảng Hồi giáo với 62,2% số phiếu ủng hộ.

 
Siêu thị liên doanh Geant Hypermarket (từng bị đốt cháy và phá hủy trong ngày 14-1-2011) của Pháp - Tunisia tại thủ đô Tunis đã được xây mới. Ảnh: AFP

Bất ổn dai dẳng

Theo AFP, luật sư của ông Zine el Abidine Ben Ali cho biết, đang lên kế hoạch tố tụng pháp lý để tìm cách lấy lại hơn 60 triệu USD của ông Ben Ali và người thân đã bị các ngân hàng Thụy Sĩ đóng băng trong năm 2011. Tòa án Tunisia khép ông Ben Ali vào 18 tội danh: tham ô, biển thủ, sở hữu trái phép vũ khí, chất kích thích, bất động sản cũng như lạm dụng quyền lực… Tunisia cũng đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Ben Ali.

Trong khi các quốc gia trong khu vực đã đi đến những cuộc bầu cử về hình thức và kỳ vọng ban đầu nhằm vào dân chủ, chính quyền Syria vẫn tiếp tục tỏ thái độ cứng rắn. Hơn 5.000 người thiệt mạng kể từ khi bất ổn bùng nổ ở quốc gia Trung Đông này từ tháng 3 năm ngoái, bạo lực vẫn không có dấu hiệu ngừng lại. Tổng thống Bashar al-Assad dù đồng ý một số đề xuất của Liên đoàn Ảrập (AL) nhằm giải quyết khủng hoảng nhưng mới đây, ông vẫn lên truyền hình khẳng định không từ chức và tiếp tục lên tiếng chỉ trích các quốc gia phương Tây đã can thiệp khiến tình hình trong nước càng phức tạp. Syria chia sẻ biên giới với Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Jordan, Lebanon và là quốc gia duy nhất trong thế giới Ảrập liên minh với Iran. Phương Tây vì thế càng tìm cách ngăn chặn Syria ảnh hưởng đến các ưu tiên chính sách đối ngoại của họ.

Ở Yemen, bạo lực vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn dù chỉ hơn 1 tháng nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống vào ngày 21-2 tới.

Vai trò của quốc gia lân cận

AL hiện được coi là tổ chức chính trị quan trọng trong khu vực. Gần đây nhất là cử quan sát viên đến Syria để thu thập thông tin nhưng lấy lý do tình hình ở Syria quá phức tạp, AL đã sớm dừng triển khai quan sát viên. Trước đó, AL tuyên bố ngừng tư cách thành viên của Syria. Ở Libya, AL cũng đã có quyết định tương tự, đứng về phương Tây, ủng hộ việc can thiệp quân sự ở Libya. AL thực chất vẫn chưa tạo được tiếng nói trung lập mà đứng về phương Tây để tạo nên thế cô lập chính quyền bị cho là không hợp lòng dân. Vì thế, “Mùa xuân Ảrập” ở giai đoạn này lại càng trở nên phức tạp. Bên cạnh đó, cần kể đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ. Mới đây, nước này đã đề xuất thiết lập vùng đệm để làm nơi tị nạn cho người dân Syria. Tháng 9-2011, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã thực hiện một chuyến công du đến Libya, Tunisia và Ai Cập với hy vọng “mô hình Hồi giáo ôn hòa Thổ Nhĩ Kỳ” sẽ là hình mẫu mới cho các quốc gia này sau “Mùa xuân Ảrập”. 

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.