Nhiều năm qua, Israel vẫn luôn nổi tiếng với những phi vụ bất ngờ từ ám sát đến đánh bom các mục tiêu bị nước này xem là “nguy cơ”.
Tờ Tehran Times dẫn lời tướng Massoud Jazayeri, quan chức cấp cao thuộc Lực lượng vệ binh cách mạng Iran, khẳng định Mỹ và Israel đứng sau vụ ám sát chuyên gia hạt nhân Mostafa Ahmadi Roshan ngày 11.1. Washington đã lên tiếng bác bỏ mọi dính líu còn Tel Aviv thì vẫn giữ im lặng. Thái độ mập mờ của Israel càng gây nghi ngờ khi nước này lâu nay vốn nổi danh với “thành tích” ám sát.
Một khi Mossad ra tay…
...Là rất ít mục tiêu có thể sống sót! Theo truyền thông quốc tế, Cơ quan tình báo Mossad khét tiếng của Israel cùng một số lực lượng khác bị cáo buộc đã thực hiện gần 100 vụ ám sát kể từ thập niên 1950 đến nay. Tất nhiên, Tel Aviv chỉ thừa nhận một ít trong số đó.
Đến nay, chiến tích vang dội nhất của Mossad vẫn là đợt tìm diệt những nhân vật bị cho là chủ mưu vụ thảm sát tại Thế vận hội Munich năm 1972, theo tờ The New York Times. Sau khi 11 vận động viên Do Thái bị nhóm vũ trang người Palestine mang tên Tháng chín đen hạ sát, Mossad nhanh chóng triển khai chiến dịch trả thù mang tên “Mùa xuân tuổi trẻ”.
|
Nổi bật nhất trong chiến dịch này là phi vụ ngày 9.4.1973 khi hàng chục biệt kích thông qua đường biển, lẻn sâu bên trong thủ đô Beirut của Li Băng. Ngoài ra, Israel còn huy động các lực lượng khác tấn công từ biển để chặn đường tiếp ứng của Li Băng, theo bách khoa toàn thư Jewish Virtual Library. Kết quả là 3 thành viên cấp cao của Tổ chức giải phóng Palestine (PLO), bị Israel cáo buộc chỉ đạo thực hiện vụ thảm sát ở Munich, bị hạ sát. Trước đó, Mossad đã ám sát 3 nhân vật khác tại Pháp và Síp. Các vụ ám sát phục thù của Israel tiếp tục diễn ra cho đến năm 1992 khi điệp viên Mossad bắn hạ Atef Bseiso, người gốc Palestine, ngay giữa thủ đô Paris của Pháp và khiến nước này rất giận dữ. Chiến dịch “Mùa xuân tuổi trẻ” đã được đạo diễn lừng danh Steven Spielberg dựng thành bộ phim Munich vào năm 2005.
Một vụ nổi bật khác là vào tháng 1.2010, Mossad bị cáo buộc phái 4 điệp viên đến Dubai bằng hộ chiếu châu Âu để giết chết Mahmoud al-Mabhouh, một lãnh đạo cấp cao của cánh vũ trang Hamas. Theo báo Haaretz, vụ việc gây chấn động bởi cách các sát thủ vượt qua hàng rào an ninh dày đặc để hạ sát al-Mabhoud một cách “vô hình vô ảnh”. Chính quyền Dubai và nhiều nước châu Âu bị làm giả hộ chiếu một mặt phản đối Israel dữ dội, mặt khác ra sức điều tra. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể còn Tel Aviv vẫn cứ im lặng “cười trừ”.
Ngoài ra, còn phải kể đến hàng chục cáo buộc liên quan đến các vụ ám sát những khoa học gia hàng đầu của Iran và các quan chức Palestine trong nhiều năm qua.
Tấn công phủ đầu
Không chỉ ám sát, Israel còn bị cho là tác giả của nhiều vụ tấn công phủ đầu. Khi giới quan sát cảnh báo Israel có thể đánh phủ đầu các cơ sở hạt nhân của Iran, nhiều người nghĩ ngay đến chiến dịch Babylon hồi tháng 6.1981. Theo BBC, Tel Aviv khi đó ném bom lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq vì Mossad cho rằng Baghdad sẽ làm giàu plutonium để phát triển vũ khí nguyên tử. Ngày 7.6.1981, một máy bay F-16 của Israel dưới sự hộ tống của nhóm chiến đấu cơ F-15As bất thần dội bom tới tấp nhằm vào cơ sở Osirak, cách thủ đô Baghdad 28 km về phía nam. Trong phút chốc, lò phản ứng hạt nhân này gần như bị san bằng mà Iraq hầu như không kịp trở tay. Trước đó, chẳng mấy ai nghĩ Israel dám thực hiện phi vụ này khi không quân của họ phải vượt 1.600 km không cần tiếp vận. Thêm vào đó, lò phản ứng Osirak do Pháp bán lại cho Iraq và chuyên gia châu Âu vẫn đang làm việc tại đây.
Trong một lần khác, giới chức Israel hồi năm 2007 chính thức thừa nhận đã cho tấn công Syria, theo BBC. Ngày 6.9.2007, không lực Israel bất ngờ xuất kích, vòng qua Địa Trung Hải, thẳng tiến đánh phá các cơ sở quân sự của Syria. Mặc dù lực lượng phòng không Syria kháng cự quyết liệt nhưng Israel vẫn thắng to khi gây thiệt hại nghiêm trọng. Đến nay, người ta vẫn chưa rõ mục tiêu thực sự của phi vụ trên là gì. Theo giới chuyên gia, có thể Mossad cho rằng cơ sở trên liên quan đến chương trình hạt nhân nào đó hoặc đơn giản là Tel Aviv muốn “thử lửa” hệ thống phòng không của Damascus.
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)