Lãnh đạo tái đắc cử Mã Anh Cửu của Đài Loan có thêm nhiều hỗ trợ cho người nhập cư nhưng dè dặt hơn trong chính sách với đại lục.
Ông Mã Anh Cửu của Quốc dân đảng (KMT) tái đắc cử chức lãnh đạo Đài Loan sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 14.1. Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ di dân và chính sách thân thiện với Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nhà lãnh đạo này sẽ phải giảm tốc độ và quy mô nhích gần Bắc Kinh để xoa dịu các lo ngại.
Hỗ trợ người nhập cư mới
Rất nhiều người di dân mới, đặc biệt là các cô dâu nước ngoài, đều thừa nhận được chính quyền của ông Mã và KMT hỗ trợ nhiệt tình bằng những chính sách nhân đạo. Trong đó có chính sách các cô dâu nước ngoài, bao gồm cô dâu Việt Nam, chỉ cần sinh sống ở Đài Loan đủ 3 năm là được quyền làm chứng minh thư mà không cần chồng hoặc nhà chồng cho phép. Điều này giúp các cô dâu nước ngoài tự chủ hơn, bảo đảm được quyền lợi và không còn bị lệ thuộc vào nhà chồng. Dù bị chồng bỏ hoặc muốn chủ động ly dị thì họ vẫn có thể đàng hoàng ở lại Đài Loan sinh sống, làm việc. Trước đây, không ít cô dâu nước ngoài ở Đài Loan bị chồng hoặc gia đình chồng hành hạ vẫn không dám ly dị vì sợ sẽ bị trục xuất, mất quyền nuôi con…
|
Ngoài ra, ông Mã Anh Cửu tuyên bố sẽ tiếp tục đẩy mạnh chính sách cho cô dâu nước ngoài hưởng nhiều quyền lợi như học tiểu học không mất tiền, hỗ trợ chi phí sinh hoạt, lập đường dây nóng để kịp thời hỗ trợ… Trong đợt vận động tranh cử vừa qua, không ít người di dân mới, trong đó có cả các cô dâu nước ngoài, được đại diện cho người nhập cư chụp hình cùng ông Mã tại một số điểm vận động. Cô dâu Việt Nam Đào Duyên Hải còn được mời dạy ông Mã Anh Cửu gói bánh tét Việt Nam. Cô Hải thừa nhận các chính sách đã và sẽ được triển khai của ông Mã khiến nhiều cô dâu Việt tự tin hơn và cảm thấy vị trí của mình được coi trọng hơn trong xã hội Đài Loan.
Quan hệ với đại lục
Có thể nói, một trong những vấn đề khiến dư luận quan tâm nhất hiện nay là tương lai quan hệ Đài Loan - Trung Quốc đại lục. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Mã chủ trương giảm căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Điều này thể hiện qua Hiệp định khung về hợp tác kinh tế (ECFA) ký năm 2010 và sự gia tăng trao đổi thương mại giữa hai bên. Theo tờ The Wall Street Journal, kể cả Mỹ cũng ủng hộ duy trì hiện trạng ở eo biển Đài Loan để tập trung vào các vấn đề như tình hình biển Đông và bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá trong nhiệm kỳ này, ông Mã sẽ phải thận trọng hơn trong cách tiếp cận với Bắc Kinh. Trong kỳ bầu cử vừa qua, nhà lãnh đạo này đạt 51,6% số phiếu, ít hơn nhiều so với tỷ lệ 58,45% hồi năm 2008. Điều này chứng tỏ cử tri muốn giữ môi trường tương đối ổn định hiện nay và tận dụng cơ hội làm ăn với đại lục nhưng cũng lo ngại rằng Đài Loan sẽ ngày càng phụ thuộc vào đại lục và “đánh mất quyền tự chủ”. “Trong năm nay, tại Trung Quốc sẽ diễn ra quá trình chuyển giao quyền lãnh đạo và để củng cố vị thế, ban lãnh đạo mới có thể sẽ dựa vào những cải thiện trong quan hệ kinh tế -thương mại để tăng áp lực trong các vấn đề nhạy cảm hơn. Khi đó, chính sách thân thiện của ông Mã sẽ không thể bảo vệ Đài Loan”, AFP dẫn lời nhà bình luận đối lập Joseph Wu của Đài Loan nhận định. Một chuyên gia khác thuộc Đại học NTU cũng cho rằng ông Mã buộc phải cứng rắn hơn với đại lục trong tương lai nếu không muốn thấy sự ủng hộ dành cho Quốc dân đảng tiếp tục xuống thấp.
Có lẽ cũng nhận thấy điều này nên sau khi tái đắc cử, ông Mã Anh Cửu một mặt tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi thương mại và giữ quan hệ ổn định với đại lục, mặt khác khẳng định chưa đến lúc hai bên đối thoại về chính trị hay thống nhất. “Tôi sẽ không thăm Trung Quốc trong tương lai gần”, tờ The Washington Post dẫn lời lãnh đạo Đài Loan nói, đồng thời cho hay đảo này sẽ tiếp tục chính sách phòng vệ tích cực để đối phó mọi mối đe dọa.
Nguyễn Lệ Chi
Bình luận (0)