(TN Xuân Nhâm Thìn) Lắm lúc lênh đênh mưu sinh giữa trùng khơi giông gió, ngư dân đã thoát chết nhờ cá ông linh thiêng cứu nạn.
Theo mô tả của các lão ngư, cá ông (ngư dân thường gọi là ông) có da màu đen, láng mịn, đuôi bẹ giống đuôi tôm, đặc biệt mắt dẹt và hay chảy nước mắt như người, trên gáy có một lỗ thông hơi (còn gọi là lỗ đạo). Khi biểu thị cảm xúc, cá ông thường phun nước thẳng lên cao từ lỗ đạo này. Lúc cá “tắt thở” thì thịt không hôi, ruồi muỗi không đến gần. Cá ông có con nặng hàng chục tấn, chở che an toàn cho người và phương tiện hành nghề đánh bắt trên biển vào những lúc bất trắc.
Lập nghĩa địa cho ông
Vì được cung nghinh là thần hộ mệnh nên mỗi khi phát hiện cá ông lỡ mắc vào lưới, ngư phủ phải khấn vái và mở lưới để ông thoát ra. Dân gian có câu “cá ông vào làng như vàng vào tủ”, vì dân làng xem đó là điềm lành cho những mùa biển bội thu.
|
Tương truyền, ngày xưa người nào phát hiện được cá ông lụy (dạt) vào bờ thì phải có bổn phận lo chôn cất, để tang cho ông như phải làm đối với chính cha mẹ mình và dưới triều nhà Nguyễn còn được miễn sưu dịch 3 năm.
Ngày nay, nhiều làng chài ở Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên… còn lập cả nghĩa địa chôn cất cá ông nằm ven biển. Cá ông lụy vào bờ thường còn sống. Khi đã cố gắng đưa trở lại biển cả nhưng ông vẫn dạt vào lại thì cả làng hợp sức kính cẩn chung lo hậu sự, đưa tiễn theo nghi thức mai táng như đối với người. Những bậc cao niên được chọn vào ban tế lễ phải có đức độ, khả kính trong làng. Việc tế lễ hết sức tôn nghiêm vì ngư phủ làng chài gửi gắm trọn niềm tin, những mong ước về sự bình yên khi mưu sinh trên biển và dân làng nơi đất liền ngày càng được phồn thịnh.
|
Nét đẹp văn hóa
Thường thì sau khi chôn cất khoảng từ 1 - 3 năm ở nghĩa địa, cá ông được cải táng xương cốt mang về thờ trong đền được ngư phủ các nơi gọi phổ biến là Nam Hải thần ngư. Dân gian quan niệm nếu hứng rượu rửa ngọc cốt ông rồi rắc lên giàn lưới và các ngư cụ thì sẽ đánh bắt được nhiều mẻ cá lớn. Các đời vua triều Nguyễn ban sắc phong cho rất nhiều đền khác nhau, mà đến nay có đền vẫn còn lưu giữ 6 sắc phong, như đền Nam Hải thần ngư ở làng Hưng Lương, xã đảo Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn (Bình Định).
Hằng năm, tại đền Nam Hải thần ngư ở các làng chài, dù ven bờ hay các đảo xa đều long trọng tổ chức lễ hội cầu ngư (lễ tế cá ông, thường vào dịp sau tết Nguyên đán). Đan xen với phần nghi lễ là phần hội với nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian như hò đối đáp trên thuyền, hô bài chòi, hát bá trạo, tổ chức hát bội trong đêm, thi lắc thúng, đua ghe vào ban ngày..., góp phần giải tỏa, điều tiết đời sống tâm lý, tinh thần của cộng đồng ngư phủ.
|
Nhiều năm nghiên cứu về văn hóa miền biển, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa, Sở VH-TT-DL Bình Định, cho biết những người sống nhờ biển thường xuyên đối đầu, ứng phó với sóng gầm gió dữ nên có niềm tin tâm linh vào biển cả. Do đó, từ việc tôn thờ một hiện tượng tự nhiên, một sinh vật có mối quan hệ gắn bó lâu đời trong phương thức sinh tồn của các làng chài, đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng hàm chứa những giá trị nhân văn.
Theo tài liệu của Phòng Trưng bày lễ hội văn hóa truyền thống của ngư dân vùng ven biển Nam Trung bộ (Viện Hải dương học - Nha Trang), dân gian cho rằng cá ông có tình cảm, đặc biệt là sự cảm nhận và tâm linh như con người. Những truyền thuyết về cá ông đều hướng tới mục đích thần thoại hóa, lịch sử hóa một linh vật từ lâu được tôn sùng. Cơ sở của việc thần thoại hóa chính là niềm tin của ngư phủ sống bằng nghề biển. Cốt lõi của những truyền thuyết ấy chính là đề cao việc cá ông cứu người gặp nạn ngoài biển khơi và giúp cho ngư phủ được mùa tôm cá. |
Đình Phú
Bình luận (0)