Con đường dân chủ cho Myanmar

18/01/2012 01:22 GMT+7

Chủ tịch Hạ viện Shwe Mann, một trong những người quyền lực nhất Myanmar, khẳng định nước này không có con đường nào khác ngoài theo đuổi nền dân chủ.

Tuyên bố trên được ông Shwe Mann đưa ra trong bài phỏng vấn độc quyền với AFP ngày 16.1. Đây là minh chứng mới nhất cho xu hướng mở cửa và cải tổ mạnh mẽ của chính quyền dân sự mới được thành lập khoảng một năm tại Myanmar. AFP dẫn lời Chủ tịch Shwe Mann thừa nhận việc chuyển từ một quốc gia quân sự sang thể chế dân chủ không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, chính phủ cam kết sẽ nỗ lực hết mức để đạt được những mục tiêu cải cách.

Chuyển biến bất ngờ

Vào tháng 10.2010, nước này đổi quốc hiệu là Cộng hòa liên bang Myanmar, chỉ 17 ngày trước cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau 20 năm. Một chính phủ dân sự lập tức được định hình với thủ tướng của chính quyền trước là ông Thein Sein đảm nhiệm chức tổng thống. Vì chính phủ mới chủ yếu bao gồm những gương mặt tướng lĩnh đã cầm quyền ở Myanmar trong nhiều năm nên đã phải đối mặt với cái nhìn nghi ngờ từ phương Tây. Tuy nhiên, tất cả đã phải ngạc nhiên trước thay đổi chóng mặt ở Myanmar. Nhiều động thái hòa giải và mở cửa được triển khai, trong đó có đối thoại với nhân vật đối lập Aung San Suu Kyi, người được phóng thích cuối năm 2010 sau nhiều năm bị giam giữ và quản thúc tại gia.

Liên tục trong năm qua, chính phủ Myanmar còn có nhiều quyết định được quốc tế đánh giá cao như tiến hành 4 đợt đặc xá cho hơn 1.000 người, trong đó có hàng trăm tù chính trị. Trong lần ân xá mới nhất, 300 người, bao gồm cả những nhân vật bất đồng nổi bật nhất, cũng được trả tự do, theo AFP. Cuối tháng 9.2011, Tổng thống Thein Sein ra lệnh tạm ngưng xây đập thủy điện Myitsone trên sông Irrawaddy. Dự án trị giá 3,6 tỉ USD này do Trung Quốc đầu tư và vấp phải nhiều ý kiến phản đối do lo ngại các thiệt hại khổng lồ về môi trường và xã hội.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng có nhiều chính sách hòa giải khi chính thức cho phép đảng NLD của bà Suu Kyi trở lại hoạt động và tham dự kỳ bầu cử quốc hội bổ sung vào tháng 4. Naypyidaw cũng ký thỏa thuận ngừng bắn mang tính đột phá với nhóm vũ trang đòi ly khai Liên minh Dân tộc Karen (KNU), mở ra hy vọng chấm dứt cuộc xung đột từ năm 1948. Đến hôm qua, AFP dẫn lời một quan chức Myanmar cho hay Tổng thống Thein Sein ra lệnh quân đội ngưng ngay các cuộc tấn công vào những khu vực của các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số.

 
Tổng thống Thein Sein tiếp Ngoại trưởng Mỹ, Clinton tại Naypyidaw cuối năm ngoái - Ảnh: AFP

Mở ra nhiều cơ hội

Tốc độ chuyển biến nhanh chóng tại Myanmar đã khiến cả thế giới bất ngờ. Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi đây là “bước tiến vững chắc đến cải cách dân chủ”. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon dự đoán sắp tới nỗ lực hòa giải dân tộc tại Myanmar sẽ đạt được kết quả tích cực. Tháng 11.2011, bà Hillary Clinton trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Myanmar trong 50 năm và đã có nhiều cuộc thảo luận với Tổng thống Thein Sein, các lãnh đạo cấp cao và bà Suu Kyi. Cuối tuần trước, Mỹ chính thức tuyên bố tái lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Myanmar, vốn bị hạ cấp từ năm 1990.

Sau bà Clinton, Ngoại trưởng Anh William Hague và Ngoại trưởng Pháp Alian Juppe cũng liên tiếp thăm Myanmar. Đây đều là những diễn biến đột phá trong quan hệ giữa Naypyidaw với London và Paris. AFP dẫn lời ông Juppe cho biết Pháp và EU sẽ phản ứng tích cực và cụ thể đối với những cải cách của chính phủ Tổng thống Thein Sein. EU, hiện vẫn áp đặt cấm vận Myanmar, đã tuyên bố sẽ mở văn phòng đại diện tại Yangon trong thời gian tới.

Lẫn trong làn sóng chính khách các nước đến Myanmar còn có cả giới truyền thông và giới kinh doanh. AP khai trương văn phòng thường trực tại Naypyidaw còn tỉ phú Mỹ George Soros mở kênh hoạt động từ thiện chính thức sau khi gặp Tổng thống Thein Sein hồi đầu năm nay. Giới chuyên gia dự đoán nếu tình hình tiếp tục tiến triển tốt đẹp, Myanmar có thể trở thành một nền kinh tế trỗi dậy trong khu vực.

Sẽ không có đảo chính

Trả lời phỏng vấn AFP, Chủ tịch Hạ viện Shwe Mann bác bỏ lo ngại rằng quân đội Myanmar có thể “đổi ý” và có hành động bất lợi với chính phủ. “Quân đội không thể đi ngược lại lợi ích của nhân dân và luôn mong muốn điều tốt nhất cho Myanmar”, ông Shwe Mann nói. Trong thông điệp vào ngày Quốc khánh 4.1, Tổng thống Thein Sein cũng khẳng định: “Quân đội đã trực tiếp đặt nền móng đưa đất nước hướng đến hòa bình, hiện đại hóa và phát triển dân chủ. Chính quyền quân sự trước đây đã từng bước tạo ra môi trường cho phép nền dân chủ đa đảng”. 

Mới đây, một cố vấn của Tổng thống Thein Sein là ông Nay Zin Latt nhận định bà Aung San Suu Kyi có thể sẽ được bổ nhiệm vào chính phủ nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử bổ sung vào tháng 4. Nếu nhận định này thành sự thật, đây sẽ là một trong những đột phá lớn của quá trình cải cách và hòa giải ở Myanmar.


Lãnh đạo phe đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi - Ảnh: AFP
  

Trả lời các phóng viên ngày 15.1 về khả năng nhận một vị trí trong chính phủ, chính trị gia đối lập của Myanmar phát biểu: “Điều đó còn tùy vào tình hình và chính phủ muốn tôi vào vị trí nào”. Khi có người đề cập chức ngoại trưởng, bà Suu Kyi cười: “Tôi sẽ suy nghĩ rất kỹ về chuyện này”.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.