(TN Xuân Nhâm Thìn) Quân cảng Cam Ranh buổi chiều, giữa những tầng mây thấp, máy bay mục tiêu xuất hiện. Sau khẩu lệnh ngắn gọn của chỉ huy chiến hạm Lý Thái Tổ, thượng úy Nguyễn Hải Dương khóa mục tiêu trên màn hình.
Chúng tôi đến thăm Lữ đoàn 162 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân vào một ngày cuối năm. Đơn vị vừa tiếp nhận hai chiến hạm lớp Gepard 3.9 thế hệ mới nên có thể cảm nhận được không khí khẩn trương trong công tác huấn luyện, nắm bắt các kỹ, chiến thuật mới để làm chủ phương tiện chiến đấu hiện đại. Sau khi nghe giới thiệu đôi nét về hoạt động của lữ đoàn, chúng tôi có dịp mục kích một buổi diễn tập chống máy bay trên hai tàu hộ vệ tên lửa Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng.
Khóa chặt mục tiêu
Trong cuộc đời binh nghiệp chưa dài của mình, chàng trai trẻ Nguyễn Hải Dương không biết đã bao nhiêu lần khóa chặt mục tiêu để sẵn sàng tiêu diệt. Từ khi còn là sĩ quan trên tàu tên lửa HQ-381, Dương đã là một chuyên gia súng, pháo xuất sắc. Giờ đây, khi được biên chế lên tàu Lý Thái Tổ, thuộc lớp tàu chiến Gepard 3.9 hiện đại, Dương như chú đại bàng mọc thêm cánh. Kỹ năng điều khiển vũ khí của anh ngày càng điêu luyện. Thượng tá Nguyễn Trí Tuấn, chính trị viên tàu Lý Thái Tổ, cho chúng tôi biết thượng úy Dương là chuyên gia súng, pháo giỏi nhất của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Không chỉ giỏi tìm diệt mục tiêu, anh còn là một “thợ cơ khí” siêu hạng, từng một mình mở toang khẩu pháo hiện đại bị hỏng hóc rồi cặm cụi sửa. Xong việc, anh cho pháo vận hành thử và được ban chỉ huy đánh giá là “hoạt động còn tốt hơn trước lúc bị hỏng”.
|
Nhìn Dương cứng cáp và có phần phong sương trong bộ quân phục hải quân, ít ai ngờ rằng chàng trai mới tuổi 30 này từng là học sinh giỏi toán của tỉnh Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp trung học, thay vì thi vào các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật dân sự, anh chọn Học viện Hải quân với một tình yêu biển đảo tha thiết. Năm 2004, rời trường, chàng sĩ quan trẻ tuổi bước lên những chiến hạm tên lửa với sứ mệnh canh giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Một ngày nọ, khi đang rong ruổi trên biển, anh nhận được lệnh đi tập huấn để chuẩn bị tiếp nhận tàu chiến hiện đại Gepard 3.9. “Tôi rất tự hào khi được làm việc trên một chiến hạm hiện đại. Với những người trẻ như tôi, việc học tập, huấn luyện để sẵn sàng giáng những đòn sấm sét vào quân thù là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Về công tác ở chiến hạm hiện đại này, thách thức đối với chúng tôi là rất lớn, trách nhiệm cũng rất nặng nề, nhưng quyết tâm vì thế cũng rất cao”.
Hải Dương đại diện cho một thế hệ sĩ quan hải quân trẻ được đào tạo bài bản theo chiến lược hiện đại hóa quốc phòng của nước nhà. Họ giỏi ngoại ngữ, thành thạo điều khiển điện tử, tinh thần kỷ luật và quyết tâm cao. Họ sẽ tiếp nối được kinh nghiệm, bản lĩnh dày dạn của lớp đàn anh như thuyền trưởng - trung tá Nguyễn Văn Ngân; thuyền phó - thiếu tá Nguyễn Đình Giảng của tàu Lý Thái Tổ; thượng tá Đỗ Quốc Tuấn, thuyền trưởng tàu Đinh Tiên Hoàng, tạo nên một hình ảnh mới cho hải quân hiện đại Việt Nam. Ở họ, kỹ năng điều khiển khí tài công nghệ cao, tình yêu biển đảo được bồi đắp qua các chuyến công tác dài ngày trên biển, ra Trường Sa, cộng với nhiệt huyết và khát vọng tuổi trẻ đã tạo nên sức mạnh của một thế hệ sĩ quan mới trong một lực lượng hải quân hiện đại.
|
Những viên gạch nền
Trao đổi với chúng tôi trong phòng chỉ huy trước giờ huấn luyện, thiếu tá Nguyễn Đình Giảng nói: “Các chiến hạm như Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ rất hiện đại, có khả năng tác chiến độc lập trên biển rất cao. Các chiến thuật được áp dụng với loại tàu này cũng có nhiều khác biệt so với truyền thống. Thế nên, việc đào tạo cho các sĩ quan chỉ huy là rất quan trọng. Anh em chúng tôi ở đây đều là những sĩ quan từng kinh qua các lớp tàu tên lửa thế hệ trước, giờ được đào tạo rất kỹ càng ở trong và ngoài nước nên làm chủ phương tiện rất nhanh. Sau hai năm đào tạo, giờ đây từ sĩ quan chỉ huy tàu tới sĩ quan các bộ phận đều đã thành thục các kỹ năng của mình”. Anh còn say sưa kể về những kinh nghiệm của mình ở tàu Lý Thái Tổ, cũng như khả năng phát hiện và tiêu diệt đồng thời hàng chục mục tiêu từ cự ly gần đến cự ly vài trăm cây số của thế hệ chiến hạm hiện đại này.
Chia tay tàu Lý Thái Tổ, chúng tôi sang tàu Đinh Tiên Hoàng, chiến hạm lớp Gepard 3.9 đầu tiên được bàn giao cho Hải quân Việt Nam. Tiếp chúng tôi sau ca làm việc, thượng tá - thuyền trưởng Đỗ Quốc Tuấn đã nói về niềm tự hào, tinh thần trách nhiệm của ông cũng như các cán bộ, chiến sĩ được giao sứ mệnh trên con tàu hiện đại mang tên vị hoàng đế dẹp loạn 12 sứ quân và có tinh thần dân tộc mãnh liệt. Ông Tuấn cho biết chỉ sau 6 tháng, toàn bộ đơn vị đã vận hành thuần thục chiếc tàu chiến hiện đại này.
Trong câu chuyện quanh bàn chỉ huy, trung tá Trần Viết Tiến, chính trị viên tàu Đinh Tiên Hoàng, giải thích cho chúng tôi về sự hiện diện rất đông đảo của các chàng trai trẻ trên hai chiến hạm hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam. “Các sĩ quan trẻ này là thủ khoa, học viên xuất sắc từ các học viện quân sự. Họ là những viên gạch nền chắc chắn trong chiến lược xây dựng đội ngũ nhân sự kỹ thuật cao cho lực lượng hải quân hiện đại đang hình thành của Việt Nam”, trung tá Tiến nói.
Rời quân cảng Cam Ranh vào buổi chiều muộn, khi buổi thao luyện vừa kết thúc, chúng tôi cảm nhận được nhiệt tình và quyết tâm của các anh qua từng cái bắt tay rắn rỏi. Từ những chiếc “xuồng tên lửa”, giờ đây các anh đã bước lên những chiếc tàu chiến tối tân, đại diện cho lực lượng Hải quân Việt Nam hiện đại bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đỗ Hùng - Tấn Tú
Bình luận (0)