Lẩn khuất trong những khu nhà cổ, những vùng sông nước, bãi biển đẹp ở Hội An, khách du lịch thường bắt gặp hình ảnh cây tre vốn rất thân thuộc trong đời sống văn hóa Việt.
Hãy bắt đầu từ ngôi nhà nghệ nhân Huỳnh Ry ở làng mộc Kim Bồng. Trong cơ man những tác phẩm chạm khắc gỗ tinh xảo, ta bất giác nhận ra những gốc tre già được chạm khắc khuôn mặt của 18 vị La hán rất có thần sắc. Ghé qua Khu du lịch làng nghề Cẩm Thanh sát cửa Đại, lại gặp những ngôi nhà toàn bằng tre, từ cột kèo, phên giậu đến bàn ghế và các vật dụng sinh hoạt. Không phải ngẫu nhiên mà Đại học Oslo (Na Uy) hằng năm đã chọn nơi này tổ chức các “học kỳ Việt Nam” cho sinh viên. Tại Khu du lịch Làng Quê đối diện chợ Hội An, ta có dịp chiêm ngưỡng những chiếc xe đạp nước bằng ống tre dùng đưa nước vào ruộng lúa, vài chiếc thuyền nan của nông dân xứ Quảng thế kỷ 17, hoạt cảnh những ông đồ già dạy chữ nho cho bọn trẻ trên chiếc chõng tre…
|
Rồi du ngoạn quanh phố Hội, vượt sông Hoài, sông Thu Bồn để vào con sông Trường Giang hiền hòa xanh biếc, người phương Tây chắc sẽ ngỡ ngàng nhận ra nét đẹp thâm trầm của những chiếc cầu tre. Chiếc cầu tre bắc qua cồn bắp Cẩm Nam, gần những quán chè bắp thanh tao và các món ăn bình dân như bánh tráng đập dập, cơm hến phố Hội. Và nữa, những chiếc cầu dài 200 - 300 mét vượt sông Trường Giang thanh mảnh mà vững chắc. Đây là những chiếc cầu tre có lẽ dài nhất thế giới chăng?
Hội An đã cổ kính, đã thân tình bao nhiêu, thì trong dịp tết Nguyên đán này lại càng hấp dẫn du khách bấy nhiêu bởi những cây nêu trước các ngôi nhà cổ, các đình miếu ở ngoại ô… Ngoài truyền thuyết và Phật thoại về cuộc tranh chấp sinh tồn giữa quỷ và người, văn hóa Việt coi cây nêu là cây vũ trụ - nối đất với trời. Những vật treo trên ngọn nêu đều tượng trưng cho ước nguyện hạnh phúc và bảo vệ con người vẫn được cư dân phố cổ gìn giữ. Đón chào năm mới, cư dân Hội An trồng cây nêu bằng cây tre cao với biểu tượng đầu năm ngọn tre vươn lên đón ánh nắng đầu xuân, như một sức sống mới.
Trương Điện Thắng
Bình luận (0)