(TN Xuân Nhâm Thìn) Suốt 15 năm nay, gót chân lương y Nguyễn Đức Nghĩa đặt đến khắp các vùng rừng sâu núi cao, đối diện nhiều hiểm nguy để lùng bằng được các cây thuốc quý.
Một ngày cuối năm, chúng tôi ghé phòng khám của lương y Nguyễn Đức Nghĩa, gặp lúc anh cùng các cộng sự tìm cách đưa củ bình vôi từ trên một hòn núi hiểm trở ở Khánh Hòa về Đồng Nai. Trong các tài liệu đông y, củ bình vôi dùng chữa hen suyễn, ho lao, lỵ, sốt rất công hiệu. Đây là loài cây mọc tự nhiên nhưng nay không còn nhiều, có thân phình ra thành củ trông như bình vôi, da sần sùi màu nâu đá, trọng lượng của củ nhiều năm tuổi chỉ hơn 20 kg. Thế nhưng củ bình vôi lương y Nguyễn Đức Nghĩa tìm được ước tính hơn 100 kg. Do thời tiết quá bất ổn, đường lên núi lại cheo leo hiểm trở nên chuyến “hạ sơn” củ bình vôi khổng lồ phải dời lại khi khác. Ngoài củ bình vôi này, lương y Nghĩa cho biết anh còn có mấy củ nữa, nặng từ 50 kg trở lên.
|
Kể về những chuyến đi tìm cây thuốc quý, lương y Nguyễn Đức Nghĩa thổ lộ đó là hành trình gian nan vô cùng. Mới năm ngoái đây thôi, khi hay tin có cây sâm bố chính ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, lương y Nghĩa tức tốc lên đường. Cây thuốc này trước đây mọc hoang ở một số tỉnh miền Bắc, hoặc ở miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Quảng Bình, nhưng nay bỗng khan hiếm. Khi đoàn đến địa điểm mà người dân báo tin, cày khắp khu rừng lổm nhổm đá cùng cây cối trong cái nắng như thiêu đốt vẫn không tìm thấy một mẩu sâm bố chính nào. Thế là cả đoàn thất thểu quay về. Hay như năm 2007 và 2009, cầm trong tay mẫu cây bạch cập, lương y Nguyễn Đức Nghĩa một mình lặn lội lên Sapa, leo lên đỉnh Phan xi păng cao 3.143m, quyết tìm cho bằng được loại cây này. “Tôi đi suốt mấy ngày liền, đến độ chân run, người nhão ra vậy mà kết quả là con số không!”, lương y Nghĩa nhớ lại.
Hiện lương y Nguyễn Đức Nghĩa sở hữu khoảng 1.500 cây thuốc, trong đó có nhiều cây thuộc loại quý. Tại các vườn thuốc của anh nằm rải rác ở TP.HCM, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng… có nhiều cây thuốc được nhắc trong sách đỏ. Hiếm như cây bướm bạc Campuchia, lưỡng diện châm, sâm bố chính, sâm cau, bạc thau, cốt khí củ cũng có mặt và đang được thuần hóa, nhân giống với số lượng lớn.
Là học viên lớp đầu tiên của Trung tâm đào tạo nghiên cứu y học cổ truyền TP.HCM từ năm 1986, cơ duyên đã đưa Nguyễn Đức Nghĩa đến với GS-TS Đỗ Tất Lợi, nhà khoa học lớn về dược học của Việt Nam. Anh tâm sự: “Bên cạnh việc chữa bệnh cứu người, thầy còn dạy cho tôi hiểu và ý thức về việc cần phải bảo tồn nguồn dược liệu quý báu của nước nhà đang dần cạn kiệt, thậm chí có nguy cơ tuyệt diệt”. B.C |
Bùi Chiến
Bình luận (0)