(TNO) Wikipedia, bách khoa toàn thư mở nơi người sử dụng đóng góp và biên tập các bài viết, sẽ đóng cửa phiên bản tiếng Anh trong vòng 24 giờ kể từ ngày mai, 18.1, nhằm phản đối dự luật chống vi phạm bản quyền của Mỹ, theo Bloomberg.
Động thái này nhằm phản đối các dự luật chống vi phạm bản quyền bao gồm dự luật Stop Online Piracy Act (Đạo luật Chấm dứt vi phạm bản quyền trên mạng - SOPA), theo thông báo của Wikimedia, tổ chức phi lợi nhuận điều hành trang Wikipedia.
Dự luật đang được thảo luận tại Quốc hội Mỹ được đề xuất nhằm chống nạn ăn cắp bản quyền, bao gồm việc sao chép phim ảnh và nội dung truyền hình bất hợp pháp.
“Nếu được thông qua, dự luật sẽ gây tổn hại sự tự do và cởi mở của internet, mang lại các công cụ mới cho việc kiểm duyệt các website quốc tế ở nước Mỹ”, Wikimedia nói trong một thông báo.
Nhà sáng lập Wikipedia Jimmy Wales gọi quyết định đóng cửa website là một hành động “bất thường” bởi các dự luật “gây nguy hại đến quyền tự do ngôn luận cả trong và ngoài nước Mỹ, tạo ra một tiền lệ đáng sợ cho việc kiểm duyệt internet trên thế giới”, theo Telegraph.
Người sử dụng sẽ không thể truy cập phiên bản tiếng Anh của Wikipedia từ lúc 5 giờ ngày 18.1, giờ GMT (12 giờ, giờ Việt Nam) đến 5 giờ ngày 19.1, giờ GMT (12 giờ, giờ Việt Nam).
Thay vì truy cập vào kho dữ liệu hơn 3,8 triệu bài viết, người sử dụng sẽ được chào đón bằng một lá thư ngỏ kêu gọi họ liên hệ với Quốc hội để phản đối dự luật.
Ông Wales cho rằng một dự luật khác có tên Protect Intellectual Property Act (Đạo luật Bảo vệ quyền Sở hữu Trí tuệ - PIPA) cũng là một mối đe dọa với các website.
Ông ước lượng có khoảng 100 triệu người sử dụng Wikipedia tiếng Anh sẽ chịu ảnh hưởng của quyết định tạm ngưng hoạt động và cảnh báo các sinh viên hãy “làm bài tập sớm”.
Những người chống đối SOPA và PIPA lập luận rằng chúng áp đặt những trách nhiệm bất công với các website như Wikipedia, buộc họ phải kiểm tra nhằm bảo đảm không có tư liệu vi phạm bản quyền nào được đăng tải. Theo luật hiện hành, nếu các website gỡ bỏ nội dung vi phạm khi được chủ sở hữu nhắc nhở, họ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Dự luật cũng cho phép chủ sở hữu bản quyền tại Mỹ dễ dàng ngăn cản việc truy cập vào các website nước ngoài đăng tải phim ảnh, chương trình truyền hình và âm nhạc “lậu”.
Dự luật được chống lưng bởi một chiến dịch vận động hành lang mạnh mẽ của các trùm truyền thông, bao gồm ông Rupert Murdoch, và bị chống đối bởi các gã khổng lồ ở thung lũng Silicon, bao gồm Google và Facebook.
Sơn Duân
>> Google và Facebook được truy cập nhiều nhất năm 2011
>> Những tiết lộ mới từ WikiLeaks - Kỳ 1: Libya nổi sóng ngầm từ lâu
>> Những tiết lộ mới từ WikiLeaks- Kỳ 2: Quan tâm về an toàn điện hạt nhân
>> Những tiết lộ mới từ WikiLeaks - Kỳ 3: Chiến dịch ám sát các nhà khoa học Iran
Bình luận (0)