Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có thông báo cảnh giác bệnh viêm não mô cầu, đang cùng lúc xuất hiện tại Hà Nội và TP.HCM trong những ngày giáp tết.
Dịp tết khi đến những khu vực đông người cần chú ý vệ sinh cá nhân (như rửa tay khi ăn, vệ sinh họng sau đó...) để phòng bệnh - Ảnh: N.C.T. |
Theo ông Nguyễn Văn Bình, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các bệnh nhân viêm não mô cầu ở hai địa phương TP.HCM và Hà Nội đều có các biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, nhạy cảm với ánh sáng, lơ mơ, do vi khuẩn não mô cầu lây truyền qua đường hô hấp, làm tổn thương não.
Dễ bùng phát
Ông Bình đánh giá bệnh viêm não mô cầu khá nguy hiểm, nhiều trường hợp người bệnh mất khả năng nghe và học tập, nặng hơn là nhiễm trùng máu và tử vong. Tuy số lượng người mắc bệnh chưa nhiều, nhưng ông Bình lo ngại khả năng bùng phát dịch viêm não mô cầu do bệnh lây qua đường hô hấp, mà mùa đông - xuân ở miền Bắc là thời điểm bùng phát các bệnh lây qua đường hô hấp.
Tính từ năm 2001-2011, mỗi năm VN có trung bình 650 bệnh nhân viêm não mô cầu, chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc. Tuy bệnh có xu hướng giảm từ 2006 đến nay, nhưng tỉ lệ tử vong có thể lên đến 10% khiến giới chức y tế và người dân lo ngại.
Trong khi đó bệnh tay chân miệng đến thời điểm này cũng ghi nhận trung bình 1.000 ca mắc/tuần. Theo ông Bình, tuy so với thời gian cao điểm nhất của dịch là tháng 11-2011 với 3.000 ca mắc/tuần, thời điểm này số ca mắc mới giảm còn 1/3, nhưng vẫn còn tới 44 địa phương có người mắc bệnh tay chân miệng mới. Trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, mưa phùn, khó giữ vệ sinh cho trẻ em, thời gian di chuyển nhiều do người dân được nghỉ tết kéo dài và đi khắp nơi để chơi xuân, Bộ Y tế rất lo ngại các ca bệnh tay chân miệng tăng trở lại.
Phòng bệnh thế nào?
Theo ông Bình, để phòng bệnh viêm não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, đặc biệt là thường xuyên súc họng bằng dung dịch sát khuẩn, nước muối. Khi có biểu hiện sốt, ho, viêm mũi họng cần chủ động cách ly, hạn chế tụ tập đông người để phòng cho người khác không bị mắc bệnh.
Khi có hiện tượng nhiều người nghi ngờ mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu, cần thông báo theo đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn, các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur, đồng thời thông báo cho Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
Ông Bình cho biết thêm do bệnh nhân ở Hà Nội làm nhân viên bán hàng, tiếp xúc với nhiều người và sau đó lại về Nam Định một tuần mới phát bệnh, nên hàng chục người tiếp xúc với bệnh nhân đều phải uống kháng sinh Ciprofloxaxin dự phòng. Tại TP.HCM, khoảng 6.000 công nhân và cán bộ làm tại nhà máy có hai bệnh nhân viêm não mô cầu đã được uống kháng sinh dự phòng.
Theo ông Bình, do mầm bệnh gây bệnh não thường gặp ở VN là type B, nhưng văcxin phòng bệnh type B khó sản xuất, nên việc tiêm văcxin ngừa bệnh hiệu quả không cao lắm. Tuy nhiên ông Bình cho biết do bệnh còn nhạy cảm với kháng sinh nên những người có tiếp xúc với bệnh nhân, có nhu cầu dự phòng có thể uống kháng sinh dự phòng bệnh.
Bên cạnh đó, để đề phòng các bệnh thường gặp trong mùa đông - xuân khác như sởi, thủy đậu và cả tay chân miệng, các thầy thuốc khuyến cáo biện pháp rửa tay sạch thường xuyên, nhất là rửa tay cho trẻ em, là rất quan trọng.
Tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, tuy không phải là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết nhưng vẫn có khoảng 700 ca/tuần nên rất cần đề phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, thay nước trong lu, chum và chú ý diệt lăng quăng ngay trong các lọ hoa, bình trồng cây thủy sinh trong nhà mình.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)