Nhìn những món dưa muối chua do má làm xong để trên bàn (dưa kiệu, dưa tỏi, dưa gừng, dưa rau muống, dưa đầu heo…) chuẩn bị Tết, tôi luôn suy nghĩ về câu đối Tết của người xưa: “Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Quả thật, ông cha ta ngày xưa rất tinh tế trong ẩm thực, biết cách phối hợp các món ăn theo âm dương (hàn, nhiệt) lẫn ngũ vị (mặn, béo, chua, cay, ngọt), ngũ sắc (đen, đỏ, xanh, trắng vàng) để cho món ăn ngon miệng (kích thích vị giác, dễ tiêu hóa) lẫn ngon mắt (kích thích thị giác) nữa.
Trong những ngày Tết, chúng ta thử làm món dưa hành tím ăn cho đỡ ngán và cũng vừa “hóa giải” các chất béo khó tiêu hóa trong những ngày này.
Chế biến món dưa hành tím rất dễ dàng và nhanh gọn, không như làm dưa kiệu và các thứ muối chua khác. Nói thế, nhưng ta cũng phải biết cách để làm dưa được ngon (giòn, vừa miệng, không mềm và hăng). Trước hết, hành tím mua phải chọn hành củ vừa (lớn quá muối lâu chua không ngon), còn mới, thịt rắn chắc (khoảng ½ kg, ít nhiều tùy người ăn). Cho củ hành vào thau ngâm muối (khoảng 100 gram muối hột hoặc tro bếp cũng được) 1 đêm, xả sạch, lột vỏ. Đem hành (đã lột vỏ) cho vào thau ngâm với phèn chua (1 cục nhỏ cỡ lóng tay út) trong vòng 2 tiếng rồi đem ra xả với nước lạnh nhiều lần cho sạch (khoảng 5 – 6 lần), để ráo. Kế đến, cho củ hành vào rổ phơi khô (khoảng 1 nắng), để nguội, cho củ hành vào keo. Cuối cùng, nấu giấm đường (theo tỉ lệ: 1 xị giấm chua + 200 gram đường cát trắng + 30 gram muối bọt cho ½ kg hành) hòa tan, chờ nguội đổ ngập vào keo, khoảng 5 ngày sau là dùng được. Nếu muốn để dưa hành ăn được lâu nên trữ vào ngăn lạnh.
Bữa ăn đã chuẩn bị sẵn sàng. Cơm nóng bới ra chén. Trên mâm cơm ngày Tết ngập tràn thức ăn, trong đó có món thịt kho tàu và dĩa dưa hành thơm phức. Dùng đũa giẽ miếng thịt heo kho tàu kèm một củ dưa hành tím cho vào miệng nhai từ từ. Vị ngọt, béo của thịt, vị giòn thơm đặc trưng của củ hành lan tỏa vào miệng…
Theo Lao Động
Bình luận (0)