(TNTS) Vào tháng 11.2011, khi Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE, tỏ dấu hiệu có thể sẽ không mua 60 chiếc tiêm kích Rafale của Pháp, nhiều chuyên gia quân sự đã nghĩ đến kịch bản Pháp phải dừng sản xuất loại máy bay hiện đại này. Nhưng nay thì ánh sáng đã le lói ở cuối đường hầm…
Bộ Quốc phòng các nước Qatar, Kuwait mới đây vừa tỏ ý sẽ mua chiếc tiêm kích Rafale do hãng Dassault sản xuất, hãng tin Defende News, dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Pháp - Gerard Longuet. Ông Longuet nhấn mạnh, hai quốc gia này sẽ chỉ mua Rafale sau khi UAE ký hợp đồng mua loại máy bay này cho không lực của mình. "Họ sẽ không quyết định mua nếu "ai đó" không là người ký hợp đồng đầu tiên", ông Longuet giải thích.
Hiện Kuwait đang có nhu cầu mua từ 16 - 22 chiếc máy bay tiêm kích, còn Qatar là 24 chiếc. Cả hai quốc gia này đều muốn xây dựng quân đội với sự phối hợp chặt chẽ của UAE. Pháp tiến hành thỏa thuận về việc bán 60 chiếc Rafale cho UAE. Và dù Pháp rất nỗ lực nhưng đến nay kết quả vẫn là con số không. Hơn thế, hiện hãng Boeing và Eurolighter cũng đang vào cuộc khi lần lượt giới thiệu chiếc F/A-18 Super Hornet và Typhoon. Trong tình thế như vậy, ông Longuet tuyên bố: "Nếu như không có đơn hàng xuất khẩu, đến năm 2018 Pháp sẽ phải ngừng sản xuất loại Rafale.
|
Niềm tự hào của Pháp
Pháp bắt đầu thiết kế chiếc Rafale từ giữa thập niên 1980. Chiếc tiêm kích này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 7.1990. Đến năm 2000 bắt đầu sản xuất hàng loạt Rafale để cung cấp cho quân đội. Không lực Pháp dự kiến mua 180 chiếc Rafale và những chiếc cuối cùng sẽ được biên chế vào năm 2018.
Với Pháp, chiếc Rafale là biểu tượng của nước này, bởi chiếc tiêm kích được thiết kế, sản xuất hoàn toàn bằng kỹ thuật, công nghệ Pháp. Chiếc máy bay này được Pháp tự hào khi nó là chiếc tiêm kích đa năng, cánh hình tam giác và sử dụng khái niệm "'Omni Role" (toàn năng) làm thuật ngữ tiếp thị nhằm phân biệt loại máy bay này với các loại máy bay chiến đấu "đa năng" (multi-role) khác có phân biệt nhiệm vụ chính và các nhiệm vụ phụ. Chiếc Rafale có thể thay thế được hoạt động của bảy loại máy bay khác nhau.
Bộ Quốc phòng Pháp và không lực Pháp đánh giá Rafale là chiếc tiêm kích hoàn thiện nhất nếu nhìn từ góc độ kỹ thuật của máy bay thế hệ thứ tư. Tuy thế, Bộ Quốc phòng các quốc gia khác không chia sẻ đánh giá này. Điều này là dễ hiểu, bởi Rafale có thể hoàn hảo với các yêu cầu cụ thể của Pháp, nhưng lại không đáp ứng với các mục tiêu tác chiến của các quốc gia khác. Vì thế, đã 12 năm qua không có một đơn đặt hàng từ nước ngoài để mua "chiếc tiêm kích hoàn thiện nhất" này.
Có thời gian Pháp rất hy vọng Libya mua chiếc Rafale. Bởi từ năm 2006, Pháp đã tiến hành thương thảo để bán cho Libya 18 chiếc Rafale với tổng trị giá 3,24 tỉ USD. Đến năm 2010, thỏa thuận có bước tiến đáng kể khi hợp đồng đã được hai phía soạn thảo. Nhưng vào tháng 2.2011, cuộc nổi dậy của phe đối lập tại Libya có sự hậu thuẫn của NATO khiến thương thảo bị chấm dứt. Và như số phận trớ trêu, chiếc Rafale bay vào không phận Libya để nhằm lật đổ những đối tác "đầy tiềm năng" của chính nó.
Trong khi Pháp thương thảo với LiIbya về chiếc Rafale, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố sẽ mua 100 chiếc Rafale để thay thế cho loại F-35B Lightning II mà Anh dự kiến mua của Mỹ. Song song đó, vài năm qua Pháp còn thương thảo với Oman và Kuwait, nhưng kết quả là không có tín hiệu khả quan nào.
Vận xui nối tiếp vận xui
Trong vòng một vài năm gần đây, vận xui đeo đuổi chiếc tiêm kích này của Pháp tại các cuộc đấu thầu quốc tế. Vào năm 2008, Rafale tham dự đấu thầu tại Ma Rốc. Khi đó các đối thủ cạnh tranh là JAS 39 Gripen (Thụy Điển), Typhoon (Eurofighter - châu u). Nhưng cả ba hãng sản xuất các loại vừa nêu rất thất vọng, khi vào giờ chót Ma Rốc lại chọn chiếc F-16 Fighting Falcon, loại máy bay không hề tham dự đấu thầu trước đó.
|
Từ năm 2007, Brazil mở cuộc đấu thầu F-X2, trong đó ngoài chiếc Rafale còn có JAS 39 Gripen, F/A-18 Super Hornet (của Boeing) và Su-35 (của Nga). Và scandal đã diễn ra vì khi đó Tổng thống Brazil Jose Silva chọn chiếc Rafale, còn Bộ Quốc phòng nước này chọn chiếc Gripen. Không bên nào chịu bên nào và kết cục do tài chính khó khăn nên Brazil hủy luôn cuộc thầu. Đấy là chưa kể vụ UAE như đã nói ở trên.
Cuối cùng, vào tháng 11.2011, Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ đã tổng kết cuộc đấu thầu mua 22 chiếc tiêm kích nhằm thay thế cho loại F-5 Tiger II cũ kỹ. Tham dự cuộc đấu thầu này có Rafale, Typhoon, Gripen và Super Hornet. Phía Thụy Sĩ đã chọn chiếc tiêm kích của Thụy Điển vì nó đáp ứng yêu cầu của không lực nước này và giá lại rẻ hơn (tổng giá trị hợp đồng là 3,3 tỉ USD). Sau vụ thua thầu này, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp - Gerard Longuet tuyên bố vào ngày 7.12.2011, nếu không xuất khẩu được, Dassault sẽ phải ngừng sản xuất chiếc Rafale.
Giá bán của Rafale từ 85 - 124 triệu USD/chiếc (tùy mẫu thiết kế), trong khi đó một chiếc F-35 của Mỹ giá trung bình chỉ từ 130 - 135 triệu USD. Còn chiếc Super Hornet của Boeing bán trên thị trường quốc tế chỉ từ 60 - 80 triệu USD/chiếc, trong khi F-15 Silent Eagle (đối trọng của F-35) chỉ khoảng 100 triệu USD/chiếc. Với 120 triệu có thể mua một chiếc Typhoon, còn 50 - 60 triệu là có thể sở hữu chiếc Gripen. So sánh như thế để thấy giá của Rafale là đắt nên rất khó xuất khẩu.
Hiện Rafale còn một "cửa" duy nhất để hy vọng có thể xuất khẩu. Đó là tham dự cuộc đấu thầu MMRCA của Ấn Độ để cung cấp 126 chiếc máy bay tiêm kích đa năng. Tham dự đấu thầu có Mig-35 (Nga), F-16IN, F/A-18E, Gripen, Rafale và Typhoon. Hiện vòng chung kết chỉ còn Rafale và Typhoon và trong vòng đầu năm nay Ấn Độ sẽ công bố hãng thắng thầu. Vào cuối tháng 11.2011 có thông tin cho rằng Typhoon thắng thầu. Nhưng biết đâu nói trước bước không qua!? Trong mua bán hay trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống, không ít khi duy tâm lại đóng vai trò thành bại!? Hay chờ xem liệu Rafale có thắng thầu.
Các thông số kỹ thuật của Rafale Phi hành đoàn: 1-2 người (tùy mẫu thiết kế) Chiều dài: 15,27m; Sải cánh: 10,80m; Chiều cao: 5,34m Diện tích cánh: 45,7m² Trọng lượng không tải: 9.060 kg Trọng lượng có tải: 9.500 kg Trọng lượng cất cánh tối đa: Từ 22.000 kg - 24.500 kg (tùy mẫu thiết kế) Động cơ: 2 x SNECMA M88-2 Tốc độ tối đa: 2.250 km/giờ Bán kính hoạt động tác chiến: 1.900 km Trần bay: 18.000m Hệ thống vũ khí: pháo 30 ly GIAT30/719B với 125 viên đạn. Có 14 điểm treo cho 9, 5 tấn vũ khí. Các tên lửa không đối không: MICA IR/EM, AIM-9 Sidewinder, AIM-132 ASRAAM… Các tên lửa không đối đất: MBDA Apache, SCALP EG, AASM, Tên lửa hạt nhân ASMP. Hiện Rafale sử dụng radar lưới loại RBE@, nhưng từ năm nay nó sẽ được nâng cấp bằng radar RLS RBE2-AA hiện đại hơn. |
Ngữ Tử Yên
Bình luận (0)