(TNTS) Có vị trí lớn trong đời sống tâm linh, văn hóa, hình tượng rồng xuất hiện nhiều ở các công trình kiến trúc, nghệ thuật và trong cuộc sống của người Việt từ ngàn xưa. Triển lãm trưng bày với chuyên đề Rồng trên cổ vật đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội), không chỉ khẳng định điều đó, mà còn cho thấy trí tưởng tượng, tư duy, kỹ năng chế tác của người xưa.
Biến đổi theo thời gian
Theo các nhà nghiên cứu, người Việt quan niệm, rồng là biểu trưng cho uy quyền sự linh thiêng, tốt lành. Nguồn gốc của người Việt cũng được lý giải dựa theo truyền thuyết "con rồng cháu tiên". Vào thời Hùng Vương, hình ảnh con rồng được hình dung qua con vật thân dài, có vảy như cá sấu (còn gọi là giao long). Trong hàng nghìn năm lịch sử, trải qua những thời kỳ khác nhau, hình tượng rồng đã có những biến đổi theo tư duy của con người.
|
Từ thế kỷ 1-10, rồng có thân bò sát, mềm mại, lượn sóng. Theo giới nghiên cứu, hình tượng này được thể hiện gắn liền với yếu tố nước trong văn hóa nông nghiệp. Cũng trong giai đoạn này, để đề cao uy quyền của giai cấp thống trị, con rồng được khắc họa với thân thú như hổ, sói… Bắt đầu từ thế kỷ 11, bước sang thời kỳ quân chủ, hình tượng rồng gắn với biểu trưng cho uy quyền, sức mạnh của các vua, chúa. Rồng không chỉ xuất hiện ở các công trình kiến trúc, nghệ thuật mà còn trong các vật dụng của hoàng tộc. Dưới các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, hình tượng rồng mang sắc thái, hình dáng khác nhau thể hiện tư duy, trí tưởng tượng phong phú của người Việt.
|
Rồng thời Lý mình trơn, thân uốn cong nhiều vòng, uyển chuyển, nhỏ dần về phía đuôi. Vào thời Trần, rồng có hình dáng uy nghi, đường bệ, xuất hiện cặp sừng và đôi tay. Tới thời Lê, thân rồng lượn hai khúc lớn, chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn thể hiện cho quyền uy; hình tượng rồng được thể hiện với nhiều tư thế khác nhau. Dưới thời Lê - Trịnh, hình tượng rồng được tưởng tượng ngày càng phong phú, gắn với hình ảnh trong cuộc sống: rồng mẹ cùng bầy con quây quần, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi. Tới thời Nguyễn, rồng có dáng hình thể hiện sự uy nghi. Rồng xuất hiện với nhiều tư thế, dáng hình khác nhau: rồng ẩn mình trong mây, ngậm hay chầu chữ Thọ, chầu mặt trời, chầu hoa cúc…
|
Xuất hiện từ thời Đông Sơn
Nhiều hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thuộc thời kỳ Đông Sơn (thế kỷ 7 trước CN - thế kỷ 1, 2 sau CN) cho thấy ngay từ giai đoạn này hình tượng rồng đã bắt đầu định hình: giáo, rìu đồng trang trí đôi giao long, tượng rồng bằng đá ngọc... Tuy nhiên, vào giai đoạn này, hình tượng rồng được chế tác còn khá thô sơ.
Tới thời Lý - Trần, kỹ thuật chế tác đã tinh xảo, hình tượng rồng trở nên sắc nét hơn. Rồng xuất hiện trên các vật liệu kiến trúc như lá đề, đố cửa, cột đá, bệ đá, bàn đạp yên ngựa, đầu võng, gạch xây tháp, cánh cửa... Trong số cổ vật, đáng chú ý có chuông Vân Bản có quai hình rồng, được phát hiện dưới biển vào năm 1958 tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Chuông có kích thước lớn và được nhận định là một trong số những chiếc chuông có niên đại sớm nhất nước ta (thế kỷ 13-14).
|
Các cổ vật thời Lê - Mạc, Lê trung hưng (15 - 18) được giới thiệu trong triển lãm có ấm đồng, đĩa, bát, chân đèn, lư hương, đỉnh, đầu rồng, đầu đao hình rồng... Tới thời Nguyễn, những vật dụng trong hoàng cung như ấn, hộp đựng kim sách, ống cắm bút, đôi lộc bình... bằng vàng, bạc được chế tác với hình tượng rồng vô cùng tinh xảo. Trong số đồ ngự dụng được trưng bày có chiếc ấn Khâm văn chi bảo từ năm Minh Mạng thứ 8 (1927). Chiếc ấn này thường được dùng đóng trên các văn kiện liên quan đến việc văn như mở khoa thi, thiết học đường...
|
Minh Ngọc
Bình luận