Tết này “vắng bóng” đặc sản củ kiệu La Chữ

19/01/2012 11:29 GMT+7

(TNO) Ngoài truyền thống hiếu học nổi tiếng, làng La Chữ (thuộc xã Hương Chữ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế), còn vang danh gần xa với món củ kiệu.

Tiếc thay, tết năm nay kiệu La Chữ rất khan hiếm bởi người trồng kiệu chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Bà Nguyễn Thị Chọn (55 tuổi, nông dân làng La Chữ) lắc đầu tiếc rẻ: “Nghề trồng kiệu ở đây không rõ đã bao nhiêu năm, nhưng như tui đã là đời thứ 3 trồng kiệu”.

Xưa kia, nông dân làng La Chữ trồng kiệu là chính. Nhưng hiện nay, trong số 10 người chuyên trồng kiệu theo kiểu “cha truyền con nối”, chỉ còn vài ba người. Thay vào đó, nông dân chuyển sang trồng các loại rau màu như cải, hành, ngò…

Bà Chọn là một trong những người hiếm hoi của làng La Chữ còn chuyên canh cây kiệu. Bà có năm luống đất, mỗi luống dài chừng 20m và chỉ trồng mỗi cây kiệu.

Bà Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi, một nông dân khác làng La Chữ) cho hay vào những ngày cuối năm kiệu bán rất được giá. Tư thương luôn chờ sẵn trên đồng.

Cận tết giá kiệu được tư thương mua 15- 20 ngàn đồng/kg nhưng không có kiệu để bán.

Theo bà Hoa, sở dĩ nông dân như bà chẳng mặn mà với cây kiệu bởi trồng kiệu phải mất 3 - 4 tháng mới thu hoạch trong khi trồng các loại rau màu như cải, ngò, hành… thì chỉ mất khoảng một tháng.

Ngoài ra, trên một vồng đất dài tầm 40m, nếu trồng các loại rau màu khác cho thu hoạch 600 - 700 ngàn đồng; trồng kiệu thời gian dài hơn nhưng cũng chỉ thu nhập ngần ấy, thậm chí ít hơn.

Khi đem vấn đề này hỏi ông chủ nhiệm HTX nông nghiệp La Chữ Lê Đình Thắm, ông lắc đầu buồn bã: “Lãnh đạo huyện, xã cũng từng đến động viên chúng tôi làm sao để khuyến khích bà con giữ nghề. Hiện cả làng còn chưa tới 50 hộ trồng kiệu, diện tích trồng chưa tới 1 ha…”.

Cũng theo ông Thắm, do đặc tính vùng đất nên cây kiệu La Chữ có hương vị riêng. Củ kiệu nồng, thơm, dòn hơn kiệu các vùng miền khác trong nước.

HTX luôn khuyến khích và bao tiêu sản phẩm củ kiệu cho người dân; giá cả không thua giá thị trường nhưng không ai chịu trồng.

HTX cũng đã đầu tư chiếc mấy sấy nông sản, với tổng kinh phí gần 530 triệu đồng nhưng hiện máy “đắp chiếu” do không có sản phẩm để sấy.

Cùng với vẻ hắt hiu của cây kiệu trên đồng làng La Chữ, những ngày cuối năm, nhiều khu chợ lớn ở TP.Huế cũng vắng bóng loại đặc sản nổi tiếng này.

Khi hay tin nghề trồng kiệu làng La Chữ đang mai một dần, nhiều tư thương, chủ quán ở Huế chuyên mua kiệu La Chữ đều tiếc rẻ.

Chị Vĩnh, một người bán quán rượu vỉa hè đường Trương Định (TP.Huế) - nơi nổi tiếng với món gân kiệu - bộc bạch: “Kiệu La Chữ dù củ nhỏ nhưng thơm, nồng, dòn hơn kiệu các vùng miền khác nên nhiều người thích. Loại kiệu ni mới nhìn thôi cũng đã thèm rồi”.

Ngay cả ông chủ nhiệm HTX nông nghiệp La Chữ cũng tiếc rẻ cho cây kiệu của quê hương mình: “Năm nào tôi cũng gửi vài cân kiệu La Chữ làm quà cho người thân ở TP.HCM. Anh em trong đó thích kiệu La Chữ bởi sự cay nồng, dòn và thơm ngon hơn kiệu các vùng miền khác. Nhưng năm nay kiệu hiếm nên đành lỗi hẹn”. 


Kiệu La Chữ thường được bóp thấu với gân, tai heo thành món gân kiệu được nhiều thực khách thích thú - Ảnh: Gia Tân 


Thưa thớt những thửa kiệu trồng xen canh trên cánh đồng rau làng La Chữ - Ảnh: Gia Tân  


 
Bà Nguyễn Thị Chọn, 55 tuổi, một nông dân hiếm hoi ở làng La Chữ còn chuyên canh cây kiệu - Ảnh: Gia Tân



Gia Tân

>> Xuất khẩu hương vị tết
>> Ăn uống ngày tết
>> Dùng thực phẩm an toàn trong ngày Tết
>> Vùng cao nhộn nhịp mùa chuối tết
>> Chợ Tết Little Sài Gòn
>> Hồng mai xứ Bắc khoe sắc ở miền Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.