Hàng hóa dồi dào, không xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ dẫn đến biến động giá như những năm trước nhưng giá một số loại thực phẩm vẫn đang bị đẩy lên.
>> Sắm tết giữa đêm
>> Săn “hàng độc” ngày tết
>> Bình ổn giá dịch vụ lưu trú dịp tết
Tại một số chợ, siêu thị trên địa bàn Hà Nội không khí sắm Tết đã rất “nóng”. Chị Trần Thanh Thủy, chuyên cung cấp các mặt hàng thực phẩm Tết ở chợ Mai Động, cho biết khoảng một tuần nay, lượng bánh chưng, giò chả các loại cửa hàng bán ra đã tăng 30%-40% so với ngày thường.
|
“Nóng” hàng thực phẩm
Theo chị Thủy, sau ngày đưa ông Táo, giá một số mặt hàng tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với ngày thường. Hiện giò lụa có giá 180.000 đồng/kg, giò bò 200.000 đồng/kg, nem chua 150.000 đồng/kg, bò muối 330.000 đồng/kg… Chị Thủy cũng cho biết ngoài những món cổ truyền, Tết năm nay có nhiều “món” mới như bắp bò ngâm chua cay, gà muối, gà đồi hấp muối… đáp ứng nhu cầu của người dân và tạo sự phong phú trong bữa ăn ngày Tết.
Với các mặt hàng tươi sống, giá vẫn khá ổn định, chỉ có thịt gà tăng từ 100.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg, giá thịt bò loại ngon cũng tăng từ 220.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg. Chị Nhung, chuyên kinh doanh mặt hàng thịt bò, cho biết giá thịt bò bắt đầu tăng từ gần một tuần qua và có thể sẽ còn tăng nữa. Trong khi đó, các mặt hàng hải sản như tôm, cua, ghẹ, mực… thời điểm hiện tại giá chỉ nhỉnh hơn chút ít so với trước đây một tuần.
Riêng một số loại trái cây để bày mâm ngũ quả ngày Tết đang tăng giá mạnh như quả phật thủ được bán với giá từ 40.000 - 80.000 đồng (tùy lớn, nhỏ), chuối xanh từ 30.000 - 200.000 đồng /nải, bưởi từ 30.000 - 60.000 đồng/quả, bưởi hồng da xanh 70.000 - 100.000 đồng/quả.
Tại các siêu thị, tùy từng nhóm hàng, giá đã tăng khoảng 10%-15% so với thời điểm đầu tháng và nhu cầu sắm Tết ở những điểm bán hàng này đã nhộn nhịp từ nhiều tuần nay. Phần lớn người dân chọn siêu thị để mua những mặt hàng làm quà Tết hoặc những nhóm hàng hoa quả khô (ô mai, mứt, hạt dưa, hạt điều...) đóng hộp có thể trữ được một vài tuần.
Theo nhiều tiểu thương ở Hà Nội, cho dù nhu cầu của người dân đang tăng dần từng ngày nhưng giá cả cũng không vì thế mà tăng mạnh, chỉ cá biệt một vài nhóm hàng có mức cầu tăng vọt bị ảnh hưởng. Đáng lưu ý, nhóm hàng rau củ quả những ngày qua ở miền Bắc dù chịu ảnh hưởng của thời tiết lạnh kéo dài, cộng với thời điểm cuối năm nhưng giá tương đối ổn định.
Hàng chợ tăng giá
Tại TPHCM, việc mua sắm Tết đã vào cao điểm nhưng sức mua nhìn chung vẫn còn thấp hơn cùng thời điểm năm ngoái. Diễn biến thị trường Tết tương đối chậm cộng với lượng hàng thiết yếu bình ổn thị trường dồi dào nên không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến. Ngay cả những mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết như thịt heo, gà, bánh mứt… cũng không tăng giá “hỗn”. Lượng rau củ, trái cây, thịt gia súc - gia cầm về các chợ đầu mối tăng mạnh, giá bán vẫn ổn định vì sức mua chỉ trung bình. Ở các siêu thị, cửa hàng bình ổn, hàng nhiều, giá không tăng, thậm chí nhiều siêu thị đang khuyến mãi giảm giá rất nhiều mặt hàng để thu hút khách…
Tuy nhiên, tại các chợ, “đến hẹn lại lên”, giá nhiều mặt hàng đang nhích lên. Chẳng hạn, tại các chợ Bến Thành, An Đông, Vườn Chuối, giá thịt heo đùi, ba rọi ngon đã tăng từ 2.000 - 5.000 đồng/kg, ở mức 90.000 - 100.000 đồng/kg. Giá thịt gà, vịt làm sẵn cũng tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg so với tuần trước, dao động ở mức 120.000 - 160.000 đồng/kg gà ta, 70.000 - 80.000 đồng/kg gà tam hoàng và 65.000 - 80.000 đồng/kg thịt vịt... Một số loại mứt truyền thống đều tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg. Giá tôm khô, mực khô, cá khô các loại cũng tăng 20.000 - 50.000 đồng/kg, tùy loại và tùy chợ.
Đẩy mạnh bán hàng bình ổn giá Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết Hà Nội tiếp tục triển khai chương trình bình ổn giá theo diện rộng, mở các điểm bán hàng cố định và các điểm bán lưu động, trong đó tập trung nhiều cho các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thực phẩm chế biến, đồ uống, bánh mứt kẹo, hóa mỹ phẩm... phục vụ Tết. Còn tại TPHCM, theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương, hiện các doanh nghiệp bình ổn giá đang đẩy mạnh bán ra, tăng cường bán hàng lưu động để dẫn dắt thị trường, bảo đảm không để xảy ra tình trạng tăng giá mặt hàng này. Về tình hình chung, tại một số khu vực, giá cả có tăng lên khi sức mua tăng cao nhưng nhìn chung mức tăng còn chấp nhận được. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)