Từ một thú chơi có phần xa xỉ, cá biệt, chơi ảnh đang trở thành phổ biến. Hình ảnh những cô cậu vác ống kính to vật vã trên đường phố, mặt đầy hãnh diện, đã quen thuộc đến mức nhàm chán.
|
Chơi ảnh trên mạng đang là trào lưu với mặt hay và mặt dở - đương nhiên - của nó.
Đâu chỉ trẻ, mà nhiều người đứng tuổi và người già cũng khoái chơi ảnh. Ông H.H.T, một doanh nhân mới chơi ảnh từ mấy năm nay, nói mình ở tuổi 50, không “nghiện” một thứ gì có mà chết! - bận đến mấy rủ đi chụp là hào hứng ngay. Anh khoe “đú” theo mấy cậu trẻ vài chuyến đi lên miền núi mới học được cách sử dụng “khẩu, tốc” (khẩu độ, tốc độ), lắm lúc đi về buồn rười rượi, vì thấy chụp như mình chẳng bao giờ đạt tới “level” (trình độ) bọn trẻ. “Đồ chơi” của anh thuộc hàng “khủng”, ống kính toàn cỡ vài ngàn USD trở lên. H.H.T mê chụp thể thao, khoái chụp phong cảnh và mỗi lần chụp đều “bắn” liên thanh, để tha hồ post ảnh lên mạng. Từ thú chơi vui, H.H.T bắt đầu thi ảnh, lấy điểm vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN.
Trong một cuộc thi ảnh ở Indonesia, ông không ngờ mình lại vượt qua bao danh thủ để thắng giải đi Jakarta, “cả họ nhà tôi bất ngờ vì nhờ ảnh mà tôi được đi Tây!”... Sang đó, ông lại thắng giải khi cạnh tranh với nhiều tay máy ngoại quốc... H.H.T bảo, lúc đầu nhiếp ảnh là hobby (sở thích), về sau nhiếp ảnh là happy (hạnh phúc)!
Mới đây, ông vừa được xét kết nạp vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN.
Có dịp vào Vĩnh Long, dự một buổi sinh hoạt ảnh của Câu lạc bộ Nhiếp ảnh thành phố mới thấy nhiều hội viên cao tuổi. Một bác đã ở tuổi 80 lên giới thiệu bức ảnh mới nhất “Công cha nghĩa mẹ” mới thấy hết sự cầu kỳ. Tình cờ hai vợ chồng về quê chơi, thấy tổ chim, người chồng nảy ra tứ hay, người vợ dọn dẹp sắp xếp lại để bố cục gọn gàng hơn cho chồng đợi chờ cả mấy ngày mới chụp được rồi về nhà dùng photoshop hoàn thiện thêm. Bức ảnh đó cuối cùng bán được để làm lịch. Cũng trong buổi sinh hoạt đó, khi tôi và nhà nhiếp ảnh Duy Anh lên nói chuyện, nhà văn Hồ Tĩnh Tâm đã dùng máy quay ghi lại cuộc nói chuyện bảo để về nghe lại vì thấy bổ ích khi ông bắt đầu thích chụp ảnh. Anh bạn trẻ cùng đi cứ ngạc nhiên vì nhà văn Hồ Tĩnh Tâm nay lại quay sang mê ảnh.
Nhắc đến chơi ảnh còn phải kể đến Thượng tọa Thích Minh Hiền trụ trì chùa Hương và Đại đức Thích Thanh Phương trụ trì chùa Hưng Phúc (Hà Nội). Cả hai nhà sư đều chơi nhiều loại máy từ Nikon đến Leica. Mỗi vị có một phong cách chụp riêng, nếu Thượng tọa Thích Minh Hiền từng tổ chức nhiều triển lãm ảnh cá nhân với chủ đề “Đông Tây - Tuyết và hoa” thì Đại đức Thích Thanh Phương lại chụp ảnh như một cách sống thiền và thường xuyên có ảnh tham gia các triển lãm ở nước ngoài. 10 ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long, Đại đức Thích Thanh Phương giao chùa cho người trông nom, đi chụp để có nhiều tác phẩm tốt. Và nhiều nhà nhiếp ảnh đến chơi chùa đều ngưỡng mộ Đại đức ở những tác phẩm chụp hoa sen và lễ hội dân gian.
Chơi ảnh hay chơi máy?
Ngày nay khái niệm dân chơi Amateur (nghiệp dư, tài tử) và dân Pro (chuyên nghiệp) trong ảnh nếu xét ở đồ nghề không đúng nữa.
Vì dân chơi Amateur không ít người xài đồ hàng hiệu, đến độ dân Pro phải lè lưỡi. Các đệ tử của Nikon và Canon cạnh tranh nhau khoe hàng, hết “con” nọ, “con” kia.
Các cửa hàng bán máy ảnh ở Vọng Đức, Tràng Thi, đường Giải Phóng (Hà Nội), suốt ngày kẻ bán người mua. Chuyện mua bán trên các trang web, diễn đàn mạng cũng sôi nổi chẳng kém, và đã có chuyện một người mắc quả lừa từ một nghệ sĩ nhiếp ảnh có tên, về sau cư dân mạng tẩy chay ông nghệ sĩ mặt thì đạo mạo mà toàn bán máy ảnh “dỏm” kia.
Chơi ảnh cũng luôn là trò chơi nâng cấp. Thoạt đầu anh bạn hàng xóm, dân công nghệ Đại học Bách khoa sắm máy du lịch - dạng thời trang bé xíu để chụp ảnh kỷ niệm Canon G10. Về sau, nâng cấp lên G12 rồi 5D, Mark II, Mark IV và... nay thì mỗi lần xách máy đi là lại loay hoay không biết chọn ống kính nào trong số cả chục ống. Mà ống nào cũng là ống fix, 1độ mở, chất lượng “thôi rồi” (dĩ nhiên là tiền nào của nấy).
Mới năm ngoái, triển lãm ảnh Leica lần đầu mở tại HN, mới thấy dân chơi Leica đâu ít. M9 với đầy đủ tính năng ưu việt của ống kính dòng M được tích tụ vào đây, chất lượng xử lý hình ảnh và độ phân giải (18 chấm) thì trên cả tuyệt vời, mỗi tội giá “chỉ có” 9.200USD!
Ăn thua gì, Hưng, họa sĩ báo L.Đ kêu có anh bạn bỏ cả gần tỉ bạc sắm máy Leica với hàng chục ống kính, toàn dạng của độc để “dùng dần”. Anh bạn đó chưa mấy ai biết, nhưng M.T, một anh chàng phóng viên báo thì ai cũng biết không chỉ vì độ “cay chua” trên Facebook mà còn vì dàn máy Leica của anh có giá trên 15.000 USD.
Và phong trào nhà nhà săn ảnh, người người chụp ảnh kia dẫn đến hệ quả là đi đến chỗ nào hay, đẹp là lại đụng hàng. Đến đâu cũng thấy máy ảnh. Chỉ khổ cho những nhà nhiếp ảnh mê chụp nude ngoài trời, đưa người mẫu đi khắp nơi mà khó tìm chỗ, cuối cùng bí quá lại đưa về khách sạn, mai mốt có lẽ đành nhét biển và mây, núi vào sau lưng.
Đưa ảnh lên mạng
Còn gì sướng bằng vừa đi chụp về là post ảnh lên mạng, có khi chỉ “30 giây” sau dân tình đã nhảy xổ vào “đâm chém” ảnh loạn lên. Với dân mới vào nghề đây là cơ hội để học hỏi thêm, nếu bỏ đi những lời tán dương văng mạng. Hỏi một thuật ngữ mới về ảnh, về tính năng kỹ thuật của máy mới mua, hay hỏi về tìm nguồn mẫu... tất cả cứ việc tung lên diễn đàn mạng. Nói chung ở mạng không có “luật im lặng”.
Vì thế số trang web diễn đàn về ảnh ở ta cứ tăng lên, đến nay cũng trên 30.
|
Đưa ảnh lên rồi vote (bầu chọn) ảnh đẹp của tuần, tháng, ảnh đẹp của năm. Có trang web đông tới gần chục ngàn thành viên, có trang web hai năm tổ chức triển lãm một lần bán đấu giá từ thiện, in sách ảnh. Vì số thành viên tham gia mạng đủ thành phần, giai tầng khác nhau nên các trang web cũng đủ thể loại ảnh, từ chân dung, phong cảnh, tĩnh vật... Đông người xem nhất vẫn là ảnh chụp phụ nữ, con gái mà bà con gọi chung là “gái”.
Để hấp dẫn, câu người xem, một số thành viên còn ham thích chụp ảnh đời tư, chụp những khoảnh khắc hớ hênh của người mẫu, diễn viên tung lên mạng với những lời bình thiếu văn hóa. Có những bức ảnh chụp người mẫu mặc váy ngắn từ dưới lên và thực sự đối tượng kín mấy cũng phải hở, thế là được thêm vài câu thành ra người mẫu khoe hàng. Nhất là thời buổi các loại máy điện tử, điện thoại iPad, iPhone đều có thể chụp được ảnh, thì chỉ thoáng sơ ý là có ảnh “gái hư” nếu “nhiếp ảnh gia” nào chỉ ham mê săn tìm chuyện “lộ hàng”! Lẽ dĩ nhiên ở đây một số người mẫu muốn nổi nhanh cũng lợi dụng mấy tay săn ảnh đó để giả vờ sơ ý... và thế là đôi bên cùng “có lợi”.
Thôi thì cái gì mà chẳng có hai mặt.
Nhiếp ảnh ngày nay hóa đắc dụng.
Mới chiều nay, một đồng nghiệp cơ quan bảo tôi: “Anh có biết chỗ nào bán máy tốt, chỉ cho em mua một cái. Máy nào khi chụp xóa mờ được không gian phía sau cảnh ấy. Em không chơi loại máy du lịch vớ vẩn dành cho dân nghiệp dư đâu!”.
Theo Lao Động
Bình luận (0)