Nhiều người miền xuôi ngược lên miền núi săn đào rừng mang về chưng Tết để phô trương sự giàu có, sung túc. Chẳng bao lâu nữa miền núi sẽ không còn đào cổ thụ.
|
Đào rừng được coi là đặc sản của các địa phương vùng cao như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lạng Sơn, Hà Giang. Ở những nơi càng cao, giá rét, đào rừng càng tỏa hương, khoe sắc. Chính sức hấp dẫn này đang làm đào rừng ngày càng cạn kiệt.
Làm sang với đào rừng
Vài năm gần đây, nắm bắt được nhu cầu đào rừng ngày càng cao, nhiều đường dây buôn đào rừng với quy mô cực lớn đã hình thành. Từ các huyện Bắc Hà, Sapa (Lào Cai); Mộc Châu (Sơn La); Đồng Văn (Hà Giang), những chuyến xe tải chở đào rừng nối đuôi nhau chạy rầm rập suốt ngày đêm về Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An… tiêu thụ.
Để có một gốc đào rừng ưng ý, nhiều đại gia từ Hà Nội, Hải Phòng… sẵn sàng lên tận Sapa, Mộc Châu, Bắc Hà “săn” đào. Anh Thanh Hưng, một đại gia bất động sản ở Hà Nội, kể: “Mất hai ngày lang thang khắp các bản Tả Phìn, Lao Chải, Trung Chải, Tả Van… của huyện Sapa, tôi mới tìm được một gốc đào cổ thụ ưng ý. Gốc đào này nằm ở lưng chừng núi nên phải thuê hai thanh niên dân tộc mất gần một ngày mới mang xuống núi được”. Để đưa cây đào rừng giá 10 triệu đồng này về xuôi, anh Hưng phải chi thêm 4 triệu đồng tiền công thuê xe vận chuyển. Tổng cộng các chi phí, chuyến “săn” đào của anh Hưng mất gần 20 triệu đồng. Anh Hưng cho biết đào rừng đang được nhiều đại gia ở Hà Nội ưa chuộng vì nó tạo nên sự sang trọng, sung túc cho gia chủ, hứa hẹn một năm làm ăn suôn sẻ.
Những ngày giáp Tết, tại trung tâm thị trấn Sapa, đào rừng được bày bán la liệt. Giá đào ở đây khá “bình dân”, chỉ cần 2 triệu đồng người mua sẽ có một cành đào rừng đẹp.
Không còn đào rừng để ngắm!
Chị Hoàng Lan, chủ một khách sạn ở Sapa, ước tính số lượng đào rừng bị đốn hạ để đem về xuôi lên tới hàng vạn gốc mỗi năm. Riêng thị trấn Sapa, mỗi ngày đã có vài chục chuyến xe tải cỡ lớn vận chuyển đào rừng về xuôi. Khai thác đào rừng chủ yếu là người dân các bản nằm sâu trong núi. Họ biết nơi có nhiều đào cổ thụ. Tuy vậy, như anh Lù A Tươi ở xã Tả Khâu, huyện Bắc Hà, nói: “Đào rừng khai thác mãi thì phải hết. Ít nhất phải mất 3-4 năm mới có một cành nho nhỏ. Các gốc đào lớn phải mất từ 10-20 năm. Vì vậy, nếu không trồng mà chỉ chặt thì vài năm nữa, lấy đâu ra đào”.
Khi đã về đến các đô thị, đào rừng có giá cao gấp 2-3 lần so với khi mua tại gốc. Không phải ngẫu nhiên mà những người như anh Hưng phải lặn lội đến 350 km lên Sapa “săn” đào rừng. Anh Hưng bảo: “Cành đào mà tôi “săn” được, khi về Hà Nội, ít nhất phải có giá vài chục triệu đồng”. Đào rừng là một phần của mùa Xuân vùng cao. Khi bị chặt khỏi gốc đem về phố thị thì đào rừng cùng lắm cũng chỉ chưng được một tháng. Ông Lê Văn Đức, một người dân Lào Cai lên Sapa định cư nhiều năm, xót xa: “Để phục vụ cho thú chơi trong vài ngày Tết mà người ta nỡ chặt cây đào 2-3 chục năm tuổi thì thật là rất đáng tiếc”.
Theo dự đoán của ông Đức, chỉ vài năm nữa, thú lên Sapa ngắm đào vào mùa Xuân sẽ chẳng còn vì làm gì còn đào để mà ngắm!
Đào rừng Hà Giang, Lạng Sơn đang cạn kiệt Một thương lái từ Hà Nội lên Mộc Châu “đánh” đào cho biết: “Tết năm ngoái, tôi “trúng” đậm nhờ đào rừng”. Theo một người có biệt danh Dũng “đào rừng”, năm nay anh sẽ thu gom khoảng 3.000 gốc đào rừng, sau đó phân phối lại cho người buôn đào ở Hà Nội. Dũng “đào rừng” rao hàng cả trên mạng internet để khách hàng có thể đặt mua trực tuyến. Sau nhiều năm khai thác, đến nay, đào rừng Hà Giang, Lạng Sơn gần như không còn. Theo người dân địa phương, đào rừng Sapa cũng chỉ còn khai thác được một, hai cái Tết nữa là cạn kiệt. Vì vậy, nhiều dân buôn đào đang chuyển hướng sang Điện Biên, Lai Châu để săn đào rừng. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)