Bà Michelle cảm thấy không thoải mái khi sống ở Nhà Trắng. Vốn không muốn xen vào công việc của chồng nhưng có những việc khiến bà sốt ruột.
Sự kiện sau đây là một ví dụ. Tháng 1-2010, Đảng Dân chủ mất chiếc ghế của thượng nghị sĩ Edward Kennedy vào tay Scott Brown của Đảng Cộng hòa. Vậy mà, trong các cuộc họp nội bộ, Tổng thống Obama không tỏ ra bức xúc, cũng không muốn đào sâu sự thất bại hoặc khiển trách dàn tham mưu của mình.
Xung đột ngầm
Đối với đệ nhất phu nhân, thật không hiểu nổi tại sao Nhà Trắng có thể vô cảm khi để mất đi một chiếc ghế hết sức quan trọng vì nó rất cần để thông qua dự luật cải cách bảo hiểm y tế của tổng thống và các dự luật khác. Nhiều cố vấn của ông Obama, đương nhiệm hay đã nghỉ việc, đã phản ánh như vậy.
|
Thất bại nói trên đã minh chứng điều mà bà Michelle thường nói với chồng: Các vị cố vấn của tổng thống quá thiển cận và thiếu tầm chiến lược. Theo bà, ông Obama phải là gương mặt của sự biến đổi nhưng với sự cố nói trên, nhiều cử tri bắt đầu nghĩ rằng tổng thống cũng chỉ là một chính khách bình thường.
Cho nên, khi dự luật cải cách nói trên gây tranh cãi, có nguy cơ thất bại thì chính bà yêu cầu ông Obama hãy giữ vững lập trường, không được thỏa hiệp với Đảng Cộng hòa, tiến thẳng tới trước, trái với lời khuyên “cần thận trọng” của Rahm Emanuel, Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống lúc bấy giờ. The Obamas đã viết như thế.
Trong cuốn The Obamas, thông qua phản ánh của những cố vấn và trợ lý của Tổng thống Obama, nhà báo Jodi Kantor cho biết bà Michelle Obama là một người vợ luôn ủng hộ chồng nhưng thường tỏ ra ưu tư về hiệu quả tư duy chính trị của ê kíp tham mưu của tổng thống mà bà cho là quá bình thường.
Là một người có đầu óc sáng tạo, ý thức rất rõ áp lực và khả năng của một người Mỹ gốc châu Phi đầu tiên trở thành đệ nhất phu nhân, Michelle muốn vai trò của bà có ý nghĩa hơn bình thường và đã thể hiện điều này một cách mạnh mẽ.
Đầu tiên là ý định hoãn việc chuyển nhà từ Chicago về Nhà Trắng ở Washington vì bà cảm thấy không thoải mái với bầu không khí chính trị ở Nhà Trắng, điều mà chỉ có những người thân cận nhất của tổng thống ở đây biết. Kế đó là mối quan hệ phức tạp với ê kíp cố vấn và trợ lý của tổng thống.
Theo nhà báo Jodi, bà Michelle không bao giờ đối đầu trực tiếp với dàn cố vấn của tổng thống. Đó không phải là cách làm của bà. Nhưng trong chốn riêng tư, bà không hề ngại bày tỏ những chính kiến trái chiều với ê kíp cố vấn và trợ lý của chồng.
Trong Nhà Trắng, ai cũng biết giữa Đông cung (văn phòng làm việc của đệ nhất phu nhân) và Tây cung (văn phòng làm việc của tổng thống) có sự xung đột ngầm nhưng không ai nói ra.
Khi nghe mách lại những chính kiến đó, một số cố vấn và trợ lý hàng đầu của Tổng thống Obama bực mình. Ông Rahm Emanual, vốn là người “bạo mồm, bạo miệng”, đã chống lại “ảnh hưởng của đệ nhất phu nhân” bằng cách xin từ chức vào mùa hè năm 2010.
Lý do chính thức được thông báo là để ứng cử (và sau đó đắc cử) chức thị trưởng Chicago, thành phố quê hương ông. Tuy nhiên, theo nhà báo Jodi, đó là hậu quả cuộc đối đầu giữa Emanual và bà Michelle về dự luật cải cách bảo hiểm y tế năm 2010.
Ông Robert Gibbs, trợ lý báo chí của tổng thống, cũng vậy. Trước khi rời khỏi Nhà Trắng, ông từng công khai đả kích những lời được cho là của bà Michelle. Mối quan hệ giữa đệ nhất phu nhân và bà Valerie Jarrett, trợ lý cao cấp của ông Obama và là cố vấn riêng của bà Michelle, cũng sóng gió không kém.
Một phụ nữ mạnh mẽ
Một ngày sau khi cuốn The Obamas phát hành, bà Obama lập tức lên đài truyền hình CBS không phải để biện minh mà trình bày bà là người như thế nào.
|
Bà nói thẳng: “Barack có khoảng 10 người rất thông minh ở chung quanh. Tôi không phải là chuyên gia trong hầu hết các hồ sơ mà chồng tôi xử lý hằng ngày. Nhưng điều đó không có nghĩa là chồng tôi không biết tình cảm của tôi. Sự thật là tôi thường phát biểu rất thẳng thắn với chồng những ý kiến của mình”.
Trong vụ ông Rahm Emanuel, bà cho biết: “Giữa chúng tôi chưa, bao giờ có lời qua tiếng lại”. Ông Emanuel cũng khẳng định trên tờ Chicago Sun Times: “Mối quan hệ giữa tôi, tổng thống và đệ nhất phu nhân là rất tốt”.
Trước đó, Jay Carney, người phát ngôn của tổng thống, đánh giá “những cuốn sách như vậy có khuynh hướng phóng đại những chuyện cũ mèm làm nó giật gân hơn”.
Ngày 13-1, nhà báo Jodi Kantor đã có một cuộc trao đổi với bà Soledad O’Brien, người dẫn chương trình “Starting Point” của đài CNN. Cô tỏ ra ngạc nhiên trước phản ứng của bà Michelle.
“Cuốn sách này chưa bao giờ mô tả bà ấy như một phụ nữ da đen hay cáu gắt. Nó mô tả bà ấy như một phụ nữ mạnh mẽ. Tôi nghĩ bà ấy phản ứng sau khi đọc một vài bài báo giật gân nói về cuốn sách của tôi. Những bài báo đó đã bóp méo nội dung cuốn sách” - Jodi phân trần.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)