Tết đầu tiên ở làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng

22/01/2012 09:33 GMT+7

(TNO) Những ngày cuối năm Tân Mão, chúng tôi ngược rừng lên thăm làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng (H.Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) khi những gia đình trẻ nơi đây đang chuẩn bị đón cái tết đầu tiên trên vùng đất mới.

Thấy chúng tôi đến thăm, vợ chồng anh Lê Kim Hùng ở tiểu khu 2 bỏ dở công việc ngoài vườn vào nhà tiếp khách. Vừa chỉ hai gian nhà còn thơm mùi vôi mới, anh Hùng nói: “Căn nhà này chỉ một mình em xây đấy. Lúc đó chưa có giếng khoan, nên em phải dùng xe máy chạy xuống dưới khe suối cách đây gần một cây số, chở từng thùng nước về để trộn hồ vữa. Bình quân mỗi ngày cũng chỉ xây được 4 - 5 hàng gạch, phải mất 2 tháng em mới hoàn thành căn nhà cùng mấy gian chuồng lợn. Sau vài tháng mà em sụt mất 7 kg”.

 
Các hộ gia đình thanh niên đã sớm ổn định cuộc sống trên vùng đất mới


Những gia đình thanh niên đang biến vùng đồi núi hoang vu thành vùng trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao


Anh Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn - bế công dân đầu tiên được sinh ra ở làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng

Vợ chồng Hùng sinh ra và lớn lên ở H.Triệu Sơn (Thanh Hóa), cách làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng gần 70 km. Ở quê đất chật, người đông, muốn làm cái ao, mảnh vườn cũng khó. Vậy là cưới nhau xong, để lại vợ chưa có công ăn việc làm ở quê, anh Hùng khăn gói vào miền Nam làm thuê kiếm sống. Nhưng sau hai năm lăn lộn, Hùng cũng chẳng kiếm đủ tiền để gửi về quê trang trải nợ nần.

Vậy là đầu năm 2010, vợ chồng Hùng đăng ký tham gia xây dựng làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng. Gom góp tất tật vốn liếng trong nhà được hơn 10 triệu đồng, một mình anh Hùng đến sông Chàng khai phá vùng đất mới. Ngoài mảnh đất rộng hơn 400 m2 ở khu trung tâm để làm nhà và làm vườn, mỗi hộ thanh niên như vợ chồng Hùng được nhận 2 ha đất đồi để trồng mía và gần 2 ha đất rừng để trồng cây cao su.

Anh Hùng kể: “Ngày đầu tiên lên đây, nhìn cảnh rừng núi hoang vu, cằn cỗi em cũng ngán lắm. Nhưng em xác định, nếu không muốn về quê ăn bám cha mẹ thì chỉ còn cách phải tiến lên thôi. Vậy là em cắm đầu, cắm cổ làm như trâu đất. Giờ ngồi nhìn lại, mới giật mình, bởi không biết vì sao lúc ấy mình khỏe thế…”.

Bắt núi đồi cằn cỗi phải khuất phục

Được sự giúp đỡ vốn của Ban quản lý làng, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón của các nhà máy đường, Hùng và các hộ thanh niên trong làng đã nhanh chóng cải tạo đất, trồng mới gần 200 ha mía. Dẫn chúng tôi đi thăm những đồi mía bạt ngàn xanh mướt đang đến kỳ thu hoạch, Hùng nhẩm tính: “Với năng suất bình quân đạt từ 70 - 80 tấn/ha, vụ này em sẽ thu về được từ 160 - 180 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, mỗi hộ bọn em để dành được 50 - 70 triệu đồng. Vì là vụ đầu tiên, nên mất rất nhiều chi phí để cải tạo đất. Vụ sau chắc chắn năng suất mía sẽ cao hơn vì đất đã thuần và chi phí sản xuất cũng sẽ giảm xuống rất nhiều”.

Rời nhà Hùng, chúng tôi tới thăm gia đình thanh niên Lê Nhật Duyệt ở tiểu khu 1. Cũng giống như trường hợp của Hùng, anh Duyệt đã có hai năm lăn lộn trong miền Nam kiếm sống, nhưng cũng chẳng khá lên được. Vậy là mới 23 tuổi, chưa có người yêu, anh Duyệt khăn gói lên sông Chàng lập nghiệp.

“Ở quê, đất chật, người đông, nghề phụ không có, nên cuộc sống khó khăn lắm. Năm 2010, nghe Tỉnh đoàn tuyển thanh niên lên làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng, thế là em đăng ký tham gia. Lúc đầu thấy bố mẹ, bạn bè can ngăn, em cũng nản. Nhưng nghĩ, mình lăn lưng làm thuê xứ người cũng chẳng đủ ăn, ở nhà thì bế tắc không biết làm gì, vậy nên nếu không quyết tâm thay đổi hoàn cảnh, thì rồi cuộc sống cũng chẳng khá lên được”, Duyệt tâm sự.

Đầu năm 2010, Duyệt được cấp cho hơn hơn 400 m2 đất ở và gần 4 ha đất sản xuất nông nghiệp. Sau gần 2 năm, giờ thì Duyệt đã có một cơ ngơi khang trang. Và đặc biệt, nhờ siêng năng, không ngại gian khó, mà Duyệt đã chiếm được trái tim của cô gái xinh đẹp tại xã Xuân Quỳ, H.Như Xuân là Lê Thị Hồng.

Giờ đây cả hai đã thành vợ chồng và vừa có thêm niềm vui lớn lao hơn nữa là cậu con trai đầu lòng vừa chào đời.

Anh Đỗ Trường Chinh - Giám đốc làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng - bế cậu con trai của vợ chồng anh Duyệt nói: “Đây là công dân đầu tiên được sinh ra tại làng đấy. Biết vợ Duyệt sinh con trai, cả làng vui như tết, anh em còn góp tiền tổ chức liên hoan đầy cữ cho cháu”.

Những ngày giáp tết, làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng lại có thêm niềm vui khi anh Nguyễn Đắc Vinh -  Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn - và đoàn công tác về thăm và chúc tết.

Tại đây, sau khi đến thăm một số gia đình và nghe ban quản lý làng báo cáo về tiến độ triển khai xây dựng làng, anh Nguyễn Đắc Vinh đã biểu dương tinh thần vượt khó vươn lên của các hộ dân tham gia xây dựng làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng.

“Chỉ sau hơn một năm, các bạn đã biến một vùng đất hoang vu, trở thành một vùng cây công nghiệp năng suất cao; hầu hết các hộ thanh niên đều đã ổn định cuộc sống, có thu nhập ngay từ năm đầu nhờ trồng mía là một thành tích đáng ngạc nhiên và không dễ gì thực hiện. Điều đó chứng minh một điều, thanh niên luôn tiên phong ở những nơi gian khó nhất và không có việc gì mà thanh niên chúng ta không làm được”, anh Vinh nói.

Anh Nguyễn Đắc Vinh cũng lưu ý Tỉnh đoàn Thanh Hóa và Ban quản lý làng cần đẩy nhanh công cuộc khai hoang, sớm triển khai dự án trồng cây cao su tại làng, biến vùng đồi núi hoang vu thành vùng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao của Thanh Hóa; đồng thời gắn chặt xây dựng làng theo tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới mà cả nước đang triển khai, xây dựng làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng thành làng thanh niên kiểu mẫu.

Giới thiệu về làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng, anh Đỗ Trường Chinh - Giám đốc làng cho biết, làng được khởi công xây dựng từ năm 2008, trên diện tích 600 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 32 tỉ đồng, do Tỉnh đoàn Thanh Hóa làm chủ đầu tư.

Quy mô của làng thu hút khoảng 150 hộ gia đình trẻ, nhằm khai hoang trồng mới 300 ha cao su, 200 ha mía, sắn và hoa màu các loại. Đến năm 2010, làng chính thức đón hộ dân đầu tiên lên lập nghiệp, khi hệ thống hạ tầng gồm đường, điện, giếng khoan, nhà văn hóa, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế... đã cơ bản hoàn thiện. Theo quy định, mỗi đoàn viên thanh niên (hoặc gia đình đoàn viên thanh niên) vào làng sẽ được cấp 400 m2 đất ở, 3,6 ha đất sản xuất và được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ theo Chương trình 30a của Chính phủ.

Đặc biệt, nhằm giúp các hộ thanh niên sớm ổn định cuộc sống trên vùng đất mới, Ban quản lý làng đã ký hợp đồng tham gia vùng nguyên liệu cung cấp mía cho Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn. Theo đó, toàn bộ giống mía, phân bón, kinh phí chăm sóc mía do công ty này đầu tư cho các hộ theo hình thức khấu trừ nợ khi các hộ dân thu hoạch mía bán cho nhà máy. Vụ mía đầu tiên bước vào kỳ thu hoạch đúng dịp trước và sau tết, nên các hộ cũng có nguồn thu lớn.

“Đây mới đúng nghĩa là cái tết đầu tiên trên vùng đất mới của các hộ thanh niên rời quê lên rừng lập nghiệp”, anh Chinh nói.

 

Bài, ảnh: Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.