(TNO) Sơ suất khi đốt lò sưởi hoặc bất cẩn khi sử dụng các thiết bị sưởi trong những ngày giá rét khiến nhiều người bị bỏng nặng.
Bỏng do bếp than
Theo TS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện Bỏng quốc gia (VBQG), trong 3 - 4 tháng mùa đông, năm nào VBQG cũng tiếp nhận 30 - 50 bệnh nhân bỏng do sơ suất khi đốt lò sưởi. Nhiều trường hợp bỏng rất nặng, phải điều trị dài ngày, thậm chí tử vong.
Riêng tại Khoa Hồi sức cấp cứu của VBQG, liên tục những tuần gần đây đã tiếp nhận nhiều ca bỏng do bất cẩn khi sưởi ấm.
Bệnh nhân H.T.S (59 tuổi, ở Tuyên Quang) trong lúc ngồi sưởi thì ngã vào bếp. Nạn nhân bị tiếp xúc khá lâu với lửa than vì ngã lúc lên cơn động kinh nên bị bỏng khá sâu vùng mông và hai chân.
Bệnh nhân N.T.G (85 tuổi, ở Yên Khánh, Ninh Bình) nhập viện một tuần qua cũng là trường hợp bỏng nặng.
Trời rét, cụ G. ngồi sưởi bên bếp củi không may ngã vào bếp. Do tuổi cao, phản xạ chậm nên thời gian tiếp xúc lửa than lâu khiến cụ bỏng khá nặng.
Bệnh nhân G. bị bỏng hết vùng mặt gây sưng nề, bỏng đường thở nên phải liên tục theo dõi suy hô hấp.
Theo TS Lượng, ở nông thôn thường tránh rét bằng sưởi bếp than, chậu than để gần giường ngủ hoặc để trong nhà. Do đó, những người già yếu, người có bệnh mạn tính (động kinh, tai biến mạch não), trẻ nhỏ cần có người giám sát.
Đặc biệt, khi sưởi ấm trong phòng có trẻ sơ sinh nên đặt các đồ sưởi ở xa trẻ vì da trẻ rất mỏng, dễ bỏng.
Các bác sĩ còn lưu ý: "Trong mọi trường hợp, không nên đốt sưởi trong phòng đóng quá kín vì sẽ dễ gây ngạt và có thể bị ngộ độc khí CO (khi sưởi than), dẫn đến tử vong".
|
Cũng theo thống kê từ VBQG, ở khu vực thành phố, khá nhiều ca bị bỏng do bất cẩn khi sử dụng phương tiện sưởi “hiện đại".
Đó là trường hợp của bệnh nhân nam tên Ng. (54 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội).
Người nhà bệnh nhân cho biết, hôm trời rét đậm, nhiệt độ đêm khoảng 8 - 9 độ C nên gia đình kê thêm chiếc quạt điện sưởi gần chỗ ông Ng. nằm.
Khi kéo chăn đắp, Ông Ng. vô tình làm chiếc quạt sưởi đổ.
Nhiệt độ nóng của quạt sưởi làm chiếc chăn cháy bùng lên rồi lan nhanh sang người khiến ông Ng. bị bỏng cả hai chân, diện tích bỏng 12% cơ thể.
Theo TS Lượng, không chỉ quạt sưởi điện mà chăn điện cũng gây bỏng do người sử dụng không kiểm soát được nhiệt độ. Lúc đầu thì ấm, nhưng để lâu nhiệt độ tăng lên, người đắp chăn điện lại ngủ say nên có thể bị bỏng nhiệt.
Sơ cứu kịp thời
TS Nguyễn Như Lâm, Chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu VBQG khuyên: "nạn nhân cần được khẩn trương tách ra khỏi tác nhân gây bỏng, dập ngay nếu quần áo đang bị cháy. Vết bỏng nên được ngâm trong nước hoặc lấy khăn nhúng nước đắp lên. Việc này giúp "hạ nhiệt", giảm nguy cơ bị bỏng sâu".
Bác sĩ Lượng lưu ý thêm: "không ngâm vết bỏng trong nước lạnh vì làm tăng nguy cơ nhiễm lạnh khiến nạn nhân có thể bị viêm phổi. Không đắp khăn lạnh lên vết thương vì sẽ làm máu tại vùng bị bỏng lưu thông kém, vết bỏng càng nặng hơn.
Theo các bác sĩ, nhiệt độ nước để "làm mát" vết bỏng từ 16 - 20 độ C là hợp lý.
Các trường hợp bỏng nặng thường điều trị phức tạp và thời gian dài vì phải phẫu thuật cắt bỏ vùng bị hoại tử rồi ghép da. Nếu bỏng sâu trên diện tích lớn có thể gây tử vong.
TS Lượng cho biết thêm, thời gian gần đây xuất hiện một số ca bỏng do túi sưởi. Để tránh tai nạn này, người dùng cần lựa túi sưởi có chất liệu đảm bảo, sử dụng đúng cách vì trong túi sưởi chứa hóa chất giúp giữ nhiệt lâu...
Nam Sơn
>> Dễ phỏng vì túi sưởi ấm
>> Thêm một vụ tử vong do ngạt khói than
>> Vụ 3 mẹ con chết trong nhà: Có thể do ngạt khói than
>> Sưởi than, 1 người chết, 1 người bị hôn mê
>> Sưởi ấm bằng than, cả gia đình bị ngộ độc
Bình luận (0)