Từ xưa đến nay, nhân loại luôn coi rồng là con vật của huyền thoại. Liệu chúng có từng tồn tại và đã bị tuyệt chủng từ triệu triệu năm trước?
Có rất nhiều biểu tượng cổ xưa của nền văn minh trái đất, từ bao đời qua được gắn liền với những chòm sao trên bầu trời. Trong số đó có không ít linh vật mà tổ tiên chúng ta thờ cúng. Trên nền các linh vật quen thuộc gồm động vật có vú và loài bò sát là hình tượng rồng - linh vật biểu tượng lịch phương Đông trong năm 2012 này. Ý nghĩa, biểu tượng của rồng trong thời phong kiến cũng như ngày nay được không ít nhà văn hóa bàn luận khá nhiều. Nhưng tại sao lại rồng chỉ tồn tại như huyền thoại, hay từ thuở xa xưa nó từng hiện hữu trong đời sống con người, hay nói cách khác rồng là con vật có thật?
|
Nguồn gốc của rồng, theo thiên văn học có từ khi xuất hiện chòm sao con Rồng. Trên bầu trời đêm, chòm sao con Rồng không sáng lắm, trải dài và múa vòng tròn giữa chòm sao Đại hùng tinh (Gấu lớn) và Tiểu hùng tinh (Gấu nhỏ). Chòm sao này được nhà thiên văn Hy Lạp cổ đại là Eudoxus Cnidus (khoảng 408 - 355 trước Công nguyên) gắn tên theo thuyết Địa tâm. Eudoxus cho rằng chuyển động của các hành tinh trên trời có thể được giải thích bằng một chuyển động tròn duy nhất. Tuy vậy, một số nhà thiên văn đương đại lại cho rằng, chòm sao con Rồng có thể được phát hiện muộn hơn nữa, từ thời Trung Hoa cổ đại. Bởi cuối phía đuôi của chòm sao Rồng là sao Bắc Cực - một trong những biểu tượng quan trọng của thời nhà Hán (206 trước Công nguyên - 220).
Con rồng từ cổ xưa được Trung Hoa cổ đại cũng như châu Á nói chung chọn là biểu tượng Hoàng đạo. Hình tượng rồng thường gắn với các sử thi, thần thoại, truyền thuyết và nó là linh vật mang tính thiện nhiều hơn. Câu chuyện Lạc Long Quân của người Việt và nhiều truyện cổ tích về rồng khác thường nhắm đến một cái đích chung: giải thích về việc con người sinh ra như thế nào, đã tiến hóa và chiến đấu vượt qua những thách thức lớn nhất của trái đất để tồn tại, phát triển ra sao...
|
Với phương Tây, hình tượng rồng trong thần thoại đồng nghĩa với hình tượng con rắn. TS triết học Vadimir Klauyaus - Viện Văn học thế giới thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, nói: “Trong thần thoại Cơ đốc giáo, rắn mang biểu tượng sự độc ác, chính vì thế đó cũng là cơ hội để con người chiến đấu tiễu trừ nó và kiểm soát chính mình”. Điều này có thể thấy qua câu chuyện Thánh George chiến thắng rồng (khoảng năm 275/281 - năm 303), hay những chiến công của Hercules huyền thoại, mà tên tuổi của vị anh hùng này trong thần thoại Hy Lạp được gắn cho một chòm sao.
Biết đâu có thật! Những mô tả các loài quái vật trong nhiều văn bản cổ có thể có thật trong đời sống. Trong viện nghiên cứu của chúng tôi hiện vẫn còn trưng bày loài cá Latimeria. Một thời gian dài các nhà khoa học cho rằng loài cá này tuyệt chủng từ 200 - 300 triệu năm trước. Tuy vậy, tình cờ vào thập niên 1990 người ta phát hiện loài cá này ở bờ biển Nam châu Phi. Thật đáng ngạc nhiên, sau nhiều triệu năm Latimeria hầu như không hề thay đổi dù kích thước có nhỏ đi. Cấu tạo xương của nó hầu như giống với tổ tiên chúng cách đây 200 triệu năm. Vậy tại sao chúng ta không thể nghĩ rằng, người họ hàng của thằn lằn bay (rồng) đang sống sót ở nơi nào đó, theo Aleksandr Gorodnisky, TS Địa - Khoáng vật học, Viện Nghiên cứu hải dương thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga. |
Tựu trung, rồng trong thần thoại của phương Tây thường là con vật phản diện, nhưng cũng có lúc nó đóng vai trò tích cực, trợ giúp con người như rồng của phương Đông. Trong thần thoại Trung Hoa từng có một con rồng có cánh giúp vua Vũ (Nhà Hạ từ 2205 - 1767 trước CN). Nó kéo đuôi trên mặt đất giúp vua Vũ đào kênh trị thủy. Tương tự, truyền thuyết của châu u về hai người thợ rèn được một con rắn lớn giúp đào kênh Dnepr. Cũng có giai thoại của nước Nga cổ về nhân vật Nikita Kozemyaka thuần phục con rắn Gorynycha để nó cày đất cho mình. Rồi chuyện rồng tặng báu vật cho con người, nhưng để thực hiện điều này thì con rồng phải chết. Tuy thế cũng có ngoại lệ: Vùng dọc sông Volga, Nga, hiện còn truyền thuyết về con rồng biết bay Poluchato, chuyên mang đến sự giàu có cho những ai không sợ lao động cực nhọc. Khi làm những điều thiện như thế Poluchato vẫn sống bình yên vô sự... Có thể thấy, hầu như bất cứ dân tộc nào trên thế giới đều có những câu chuyện cổ xưa về rồng nhuốm đầy màu sắc tâm linh. Rồng tại mỗi quốc gia đều có những nét dị biệt, tính cách khác nhau, nhưng luôn có điểm chung là con vật có đầy uy lực.
Nhưng rồng có thật hay không, nó nhìn như thế nào? Tại châu u hiện vẫn còn văn bản cổ có từ năm 600 mô tả con vật này: “Rồng là loài rắn lớn nhất và là con vật lớn nhất trong những con vật sống trên trái đất. Nó có chiếc mõm lớn, lưỡi dài, lỗ mũi nhỏ hẹp...”. Những hình vẽ rồng thường thể hiện nó là con vật hung ác gây nên nỗi sợ hãi cho con người. Để tăng thêm phần kinh dị, rồng được vẽ dưới dạng quỷ dữ, có khi còn chứa đựng trong mình vài loài vật khác. Chẳng hạn, mình rồng nhưng đầu lại là cá sấu, hay đầu rồng mình rắn nhưng bàn chân lại là của sư tử. Có con rồng lại có cánh lớn của loài chim hay cánh giống cánh dơi... Điều này không phải là ngẫu nhiên, bởi rồng (rắn bay) là biểu tượng kết hợp của trời đất thuở ban đầu. Con rồng phun lửa là sự đối lập của nước và mang đầy tính triết học của tiền nhân. Nhưng liệu hình tượng đó dựa trên sự tưởng tượng hay đó là hiện thực?
Hoàng Hoài Sơn
Bình luận (0)