(TNO) Hứa hẹn đầy bất ngờ và biến động, 2012 được đánh giá là năm bản lề tạo những tiền đề mới cho tương lai của thế giới.
Không có tin đồn ngày tận thế từ lịch của người Maya cổ thì thế giới cũng đã phải lo toan đủ chuyện trong năm 2012.
Giới quan sát dự báo kinh tế phương Tây sẽ tiếp tục chao đảo trong khi có đến 4/5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ trải qua các kỳ bầu cử và chuyển giao quyền lực quan trọng.
Những cuộc đổi ngôi
Trong số những cuộc bầu cử có ý nghĩa quan trọng đối với cả thế giới trong năm 2012, cuộc đua vào Nhà Trắng được chú ý hơn cả. Mười tháng cho tới ngày bầu cử tổng thống Mỹ là khoảng thời gian dài và mọi đột biến đều có thể xảy ra.
Tổng thống Barack Obama đang ở thế không được thuận lợi lắm khi kinh tế vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Việc Hạ viện nằm trong tay đảng Cộng hòa còn Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát dẫn đến nền chính trị Mỹ rơi vào đình trệ trong thời gian qua và ông Obama gặp nhiều khó khăn trong việc đưa ra và thực hiện các chính sách.
Tuy nhiên, đương kim Tổng thống lại đạt một số thành công quan trọng về mặt đối ngoại và an ninh như tiêu diệt được Osama bin Laden, chấm dứt cuộc chiến tại Iraq và khẳng định sự trở lại mạnh mẽ của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Obama cũng vừa nhận được một “món quà” quan trọng khi tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 9% xuống còn 8,6% trong tháng 11.2011, mức thấp nhất trong 2 năm rưỡi qua, theo AP. Mặt khác, đến nay, phe Cộng hòa chưa có gương mặt nào được đánh giá là có tầm nhìn cao xa hơn và ý tưởng chính sách khả dĩ hơn ông Obama.
|
Vì thế, truyền thông Mỹ dẫn lời giới chuyên gia nhận xét có thể vị tổng thống này sẽ tái đắc cử nhưng tỷ lệ ủng hộ không còn như xưa và ông sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn nội bộ trong 4 năm tới.
Tại châu Âu, khu vực các nước sử dụng đồng euro (eurozone) bị cho là sẽ không thể sớm thoát khỏi vũng lầy suy thoái trong năm nay. Bằng chứng là 9 nước eurozone, trong đó có cả “đại gia” Pháp, bị hạ bậc tín nhiệm tín dụng.
Điều này sẽ gây sức ép cực lớn lên Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong năm bầu cử. Vừa phải phối hợp với Thủ tướng Đức Angela Merkel để giữ vững vị trí đầu tàu trong khu vực, ông Sarkozy còn phải nỗ lực lấy lại lòng tin của cử tri, vốn đang bất mãn với kinh tế ảm đạm và một số chính sách gây tranh cãi trong năm qua.
Tờ Le Monde dẫn các kết quả thăm dò gần đây nhất cho thấy nếu bầu cử tổng thống Pháp diễn ra ngay thời điểm này thì ông Sarkozy gần như chắc chắn thất bại trước ứng viên François Hollande của đảng Xã hội.
Bầu cử vòng 1 của Pháp dự kiến diễn ra ngày 12.4 và như vậy chỉ còn chưa đầy 3 tháng để đương kim Tổng thống Pháp lật ngược tình thế.
So với Anh và Mỹ, sự thay đổi tại Nga và Trung Quốc được đánh giá là dễ đoán hơn. Gần như chắc chắn Thủ tướng Nga Vladimir Putin sẽ trở lại điện Kremlin, Tổng thống Dmitry Medvedev có thể tiếp nhận ghế thủ tướng và ai cũng tin rằng Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ trở thành lãnh đạo cao nhất của nước này.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều suôn sẻ. Những đợt biểu tình phản đối thời gian qua sẽ khiến giới lãnh đạo Nga có những điều chỉnh trong thời gian tới. Về phần Trung Quốc, quá trình chuyển giao quyền lãnh đạo có thể kéo theo các động thái khó lường tại khu vực, vốn đã có nhiều diễn biến gây lo ngại vừa qua.
Các điểm nóng
Như vậy, lãnh đạo các cường quốc thế giới sẽ hết sức bận rộn lo lắng cho tiền đồ của mình ở nhà, hơn là lo chuyện thiên hạ.
Do đó, giới phân tích cảnh báo không nên quá kỳ vọng kết quả ở những sự kiện toàn cầu như Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững vào tháng 6 tại Brazil. Thay vào đó, dư luận vẫn sẽ tập trung vào các điểm nóng lâu nay.
Tại CHDCND Triều Tiên sẽ khó xảy ra biến động về chính trị và nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un sẽ tiếp tục củng cố quyền lực. Tình hình tại Iran, Syria vẫn sẽ tiếp tục căng thẳng khi các bên vẫn đang giương súng vào nhau.
Đến nay, các nhà quan sát vẫn cho rằng nguy cơ đụng độ toàn diện giữa Iran với các địch thủ phương Tây vẫn đang lơ lửng chứ chưa thật sự hiển hiện nhưng phải hết sức coi chừng mọi hành động châm ngòi của Israel.
Bên cạnh đó, trang tin Africa Review dẫn lời nhiều chuyên gia dự đoán làn sóng chính biến ở Trung Đông và Bắc Phi có thể sẽ tràn xuống các nước châu Phi tại khu vực Hạ Sahara.
Nhiều quốc gia tại đây đang có đủ các biểu hiện dẫn đến biến động như kinh tế cực kỳ yếu kém, các quyền của người dân chưa được tôn trọng và có các nhà lãnh đạo đã cầm quyền trong nhiều chục năm.
Năm của bầu cử
Theo CNN, 59 nước và vùng lãnh thổ sẽ tổ chức bầu cử cấp địa phương, tiểu bang hoặc quốc gia và trong số đó, 26 nước có thể thay đổi lãnh đạo cấp cao. Khoảng 53% dân số trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi này. Sau đây là những cuộc bầu cử đáng chú ý nhất: Tháng 3: bầu cử tổng thống Nga Tháng 4: bầu cử tổng thống Pháp Tháng 10: Đại hội đảng lần thứ 18 tại Trung Quốc với dự kiến thay đổi 70% thành phần lãnh đạo cấp cao. Tháng 10: bầu cử tổng thống Venezuela Tháng 11: bầu cử tổng thống Mỹ |
Thụy Miên
>> Tại sao năm 2012 không phải là tận thế?
>> Những bí mật đã được khám phá trong năm 2011
>> 10 câu chuyện công nghệ đình đám nhất 2011
>> Những cảnh “nóng” nhất trên màn ảnh 2011
Bình luận (0)