Philippines và Mỹ đang đàm phán về việc tăng hiện diện quân sự của Washington tại quốc gia Đông Nam Á nhằm đối phó các nguy cơ trong khu vực.
Theo báo The Washington Post ngày 26.1, các cuộc thảo luận vẫn còn ở giai đoạn đầu nhưng giới chức 2 nước nói họ đang hướng đến việc đạt được một thỏa thuận có tính chiến lược. Đại diện 2 bên tiếp tục gặp nhau trong ngày 26 và 27.1 tại Washington trước những cuộc họp cấp cao hơn vào tháng 3. “Chúng tôi có thể lấy ví dụ các nước khác như Úc, Nhật Bản, Singapore... Chúng tôi không phải là nước duy nhất thực hiện điều này. Tất cả những gì chúng tôi muốn là một khu vực hòa bình, ổn định. Không ai muốn nhằm vào Trung Quốc cả”, tờ báo dẫn lời một quan chức cấp cao Philippines nói.
Mỹ hiện có khoảng 600 lính đặc nhiệm ở Philippines để cố vấn cho các lực lượng địa phương trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đang diễn ra hướng tới một mối quan hệ đối tác bao quát hơn. Các quan chức Philippines cho The Washington Post hay ưu tiên của họ là củng cố khả năng phòng thủ trên biển, đồng thời ám chỉ sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện tàu chiến và máy bay Mỹ.
|
Đầu tháng 1, phát biểu trong chuyến thăm Philippines, 2 thượng nghị sĩ John McCain và Joseph Lieberman khẳng định Mỹ cam kết giúp củng cố sức mạnh của các đồng minh trong khu vực trong bối cảnh một số bên có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. AP dẫn lời ông McCain nói Mỹ đang thu hẹp hiện diện ở Iraq và Afghanistan và sẽ tăng cường triển khai không quân và hải quân đến châu Á - Thái Bình Dương, gia tăng tập trận với các đồng minh và thúc đẩy mậu dịch.
Vào năm 1992, Mỹ phải rút quân khỏi căn cứ Subic của Philippines sau khi quốc hội nước này bác bỏ một hiệp ước mới. Tuy nhiên, The Washington Post dẫn lời giới chức 2 nước cho biết không loại trừ khả năng tàu chiến Mỹ trở lại Subic.
Mỹ đang có hàng ngàn binh lính đồn trú lâu dài ở Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Guam, đồng thời đã thông báo kế hoạch thiết lập căn cứ lính thủy đánh bộ tại Úc cũng như đưa chiến hạm đóng ở Singapore. Trung Quốc đã tỏ ra lo ngại về những động thái trên và cho rằng chúng nằm trong nỗ lực bao vây nước này.
Campuchia trung lập trong vấn đề biển Đông Theo trang tin Phnom-penh.info, Thủ tướng Hun Sen khẳng định Campuchia sẽ giữ thế trung lập trong các tranh chấp. Phát biểu tại cuộc gặp mặt đầu năm với 26 đại sứ và 8 tổng lãnh sự Campuchia ở nước ngoài, ông Hun Sen nhấn mạnh: “Là Chủ tịch ASEAN năm 2012, Campuchia sẽ đóng vai trò hòa giải trung lập, không đứng về phía nào trong các cuộc tranh chấp, ví dụ như vấn đề biển Đông và bán đảo Triều Tiên”. |
Trùng Quang
Bình luận (0)