Chứng khoán chờ làn gió mới

28/01/2012 00:59 GMT+7

Nhiều tuyên bố mạnh mẽ đưa ra vào đầu năm mới của các nhà quản lý đang thổi chút gió hy vọng vào thị trường chứng khoán (TTCK) vốn quá bi đát trong năm 2011.

Nhiều tuyên bố mạnh mẽ đưa ra vào đầu năm mới của các nhà quản lý đang thổi chút gió hy vọng vào thị trường chứng khoán (TTCK) vốn quá bi đát trong năm 2011.

Khép lại 1 năm đầy bi ai, chỉ số VN-Index giảm 27,53%, từ 484,66 điểm (phiên cuối năm 2010) xuống 351,55 điểm. HNX-Index thì về vùng đáy sâu nhất trong lịch sử giao dịch của sàn Hà Nội, với mức giảm kỷ lục 48,6%, từ 114,34 xuống 58,74 điểm. Dòng tiền vào kênh chứng khoán giảm mạnh, giá trị giao dịch trên cả hai sàn trung bình mỗi phiên 505,7 tỉ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức 1.200 tỉ đồng mỗi phiên của năm 2010. Một loạt các tỉ phú trên sàn đã bị bốc hơi hàng nghìn tỉ đồng, còn các nhà đầu tư (NĐT) nhỏ lẻ thua lỗ nhiều không thể kể hết.

''Sắp tới việc hạn chế tín dụng cũng là cơ hội lý tưởng cho thị trường chứng khoán phát triển trở thành kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp'' - Bộ trưởng Vương Đình Huệ

Trước tình hình đó, trong dịp đầu năm mới, nhiều thông điệp nhằm củng cố niềm tin cho NĐT đã được phát đi. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ bày tỏ niềm tin rằng 2012 sẽ là năm “khởi sắc” khi TTCK được tái cơ cấu. Việc đầu tiên, theo ông Huệ là “trả lại tên cho chứng khoán” - một kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, chứ không để ngân hàng “lấn sân” như suốt thời gian qua. Tiếp đến sẽ sửa luật Chứng khoán, xử lý các công ty chứng khoán (CTCK) thua lỗ, yếu kém theo đề án tái cấu trúc đã được phê duyệt. Trong đó, ngoài việc giảm lượng, nâng chất, thời gian tới nhanh chóng và khéo léo xử lý các CTCK hiện đang nằm trong lòng NH thương mại. “Nếu không khéo thì không tách được vốn tín dụng và vốn thông qua CTCK, đôi khi thị trường sẽ rất khó kiểm soát và trở nên méo mó. Sắp tới việc hạn chế tín dụng cũng là cơ hội lý tưởng cho TTCK phát triển trở thành kênh dẫn vốn cho DN”, ông Huệ nói.

Cũng theo ông Huệ, ngoài đề án tái cấu trúc các CTCK đã ban hành, hiện nay đề án Chiến lược phát triển chứng khoán 2020, và đề án Tái cấu trúc TTCK, thị trường bảo hiểm cũng đã hoàn thành. Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ Tài chính trình Bộ Chính trị sớm ban hành trong thời gian tới. Bên cạnh đó là các đề án khác như đề án về thị trường đầu tư gián tiếp, cơ cấu lại trái phiếu chính phủ theo những lô lớn có tính thanh khoản cao. Việc tăng cường công tác quản trị các doanh nghiệp niêm yết và các công ty đại chúng để đảm bảo chất lượng hàng hóa và tính công khai minh bạch trên thị trường đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện một cách quyết liệt. “Tôi nghĩ rằng, với các biện pháp ngắn hạn, trung và dài hạn quyết liệt và đồng bộ như vậy và năm 2012 là năm đánh dấu việc tái cấu trúc mạnh mẽ nền kinh tế trong đó có tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tái cấu trúc TTCK, thị trường sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đi vào ổn định và khởi sắc”, Bộ trưởng Huệ dự báo.

Một thông tin quan trọng, theo ông Huệ, ngay trong quý 2/2012, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ về việc thành lập Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) VN trên cơ sở sáp nhập 2 sở GDCK Hà Nội và TP.HCM, tạo ra một thị trường giao dịch chứng khoán thống nhất nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả.


Các NĐT đang hy vọng một năm mới sáng sủa hơn  - Ảnh: A.Vũ

VN-Index 2012 tăng 20%?

CTCK VietCapital cho rằng năm 2012 sẽ là một năm khởi sắc của TTCK, khi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, kéo theo lãi suất giảm. “NHNN có thể hạ lãi suất vào đầu tháng 3, nhưng chúng tôi cho rằng cũng phải ít nhất là tháng 6. Tuy nhiên, chắc chắn đây là yếu tố tích cực để hỗ trợ cho các DN giảm chi phí, gián tiếp giúp chứng khoán đi lên”, nhóm chuyên gia công ty này dự báo. Bên cạnh đó, hàng loạt những động thái mạnh mẽ tái cơ cấu lại thị trường, có thể giúp VN-Index tăng 20% trong 2012 so với 2011 lên mức 420 điểm.

PGĐ một CTCK lớn tại TP.HCM cho rằng cần gia tăng thời gian giao dịch và dùng lệnh thị trường, mở biên độ giá của sàn HOSE và HNX lên bằng biên độ của sàn UpCom. “Đã thấy rủi ro giá còn rớt nữa thì thà mở ra để chỉ số sau khi về đáy còn bật dậy được, chứ kéo dài tình trạng trượt dần dần thì chả khác gì tra tấn NĐT”, ông này nói. Bên cạnh đó, phải gia tăng kiểm soát giao dịch của các cổ đông lớn, nhất là cấm hành vi cùng mua cùng bán. Bởi các cổ đông lớn có quyền lợi hơn người khác, nên phải có trách nhiệm hơn và phải bị “soi” nhiều hơn. Ngoài ra, cũng theo chuyên gia này, phải hạ chu kỳ thanh toán về T+2 càng sớm càng tốt tăng tính thanh khoản cho thị trường; xem lại và đưa ra biện pháp điều chỉnh cách đánh thuế thu nhập cá nhân trên chứng khoán. “Lỗ thì NĐT chấp nhận, nhưng lỗ mà vẫn nộp thuế thì chẳng ai muốn chơi nữa”, vị PGĐ này kiến nghị.

Tiền gửi ngân hàng tăng

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng trong tháng 12.2011 tăng 1,46% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng tiền đồng tăng 0,98%, bằng ngoại tệ tăng 3,52%. So với cuối năm trước, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tăng 9,89%. Tín dụng tăng 0,77% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng tiền đồng tăng 1,05%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 0,17%. Tín dụng ước tăng 10,9% so với cuối năm trước. Tổng phương tiện thanh toán tăng 2% so với tháng trước, tăng 9,27% so với cuối năm trước; trong đó tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tăng 5,52% so với tháng trước và so với cuối năm trước tăng 5,49%. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng trong tháng 12 tăng 0,12% so với cuối tháng 11, tăng 10,01% so với cuối năm 2010.

T.Xuân

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.