Cách đây ít lâu, tôi dạy bài “Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống”. Cuối tiết, khi tôi đang ký sổ đầu bài thì có tiếng nói: “Thưa thầy, em có ý kiến”.
Tôi nhìn xuống và nhận ra em X., một học sinh thường có những bài văn trên 8 điểm và bị nhiều thầy cô cho là hay phát biểu “linh tinh”. Tôi cũng nhận ra ba mươi mấy học trò im lặng một cách bất thường thay vì ồn ào dọn dẹp sách bút để rời khỏi lớp như mọi hôm. “Em cứ nói”, tôi khuyến khích.
Em X. đã nêu lên một “hiện tượng đời sống” rằng có một số thầy cô mở lớp dạy thêm. Bạn nào ghi tên theo học thì điểm kiểm tra miệng và viết toàn khá giỏi, thậm chí có bạn thuộc loại lơ ngơ “toàn diện”, bạn bè hỏi gì cũng nói “biết chết liền” mà điểm vẫn cao. Có trường hợp khi giáo viên kiểm tra miệng, học sinh chỉ cần “lí nhí” thôi, vẫn có điểm khá. Ngược lại, những bạn học hành chăm chỉ, nắm kiến thức vững nhưng không theo học thì bị thầy cô ép điểm, thường bị hỏi dồn dập những câu “mở rộng” và “nâng cao” để bắt bí khi kiểm tra miệng, bị xét nét từng chữ một, từng lỗi nhỏ trong bài làm.
Em hỏi tôi rằng chúng em viết về hiện tượng này có sao không. Viết về những thầy cô ấy mà không dùng những từ “kính yêu”, “quý mến”, “hết lòng”, “tận tụy”, “trong sáng”, “vô tư”, “tình thương”, “trách nhiệm”… như lâu nay chúng em đã từng viết có được không?
Nói thật, suốt mấy mươi năm dạy học, tôi từng giải quyết được những tình huống sư phạm khó khăn nhưng chưa lần nào tôi lúng túng như lần này. Tôi băn khoăn: lẽ nào mình lại “bật đèn xanh” cho học trò “nói xấu” đồng nghiệp? Tôi cũng không thể bảo các em viết những dòng hoa mỹ về những thầy cô ấy khi thật lòng các em đang bị hụt hẫng, niềm tin về “thần tượng” bị lung lay. Hơn nữa, tôi đã từng nói với các em rằng cốt lõi của văn chương là sự chân thành, văn chương rất xa lạ với sự giả dối.
Tôi bảo các em là do đã quá trưa, vấn đề lại rất phức tạp và quá “nhạy cảm”. Thầy hiệu trưởng đang chờ nhận hồ sơ lớp để còn khóa cửa văn phòng. Bác bảo vệ đang bồn chồn chờ đóng cổng trường. Lớp mình cứ nán lại sẽ là điều “khó hiểu”. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này vào hôm sau.
Không biết tôi đã học cách “hoãn binh” từ lúc nào. Tôi rời trường trong tâm trạng nặng trĩu. Học sinh đã tin tưởng trải lòng với tôi về những ưu tư trong chính môi trường sinh hoạt và học tập của mình. Còn tôi thì đang nợ các em một câu trả lời. Hôm sau tôi sẽ nói với các em những gì đây?
Trần Cao Duyên
Bình luận (0)