Trao lễ hội lại cho cộng đồng

28/01/2012 01:14 GMT+7

Trong vài năm trở lại đây, những vấn đề liên quan đến mặt trái của việc tổ chức lễ hội đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Những ý kiến, đánh giá, nhìn nhận về các lễ hội theo hướng tiêu cực có xu thế tăng.

Thậm chí có người cho rằng các lễ hội chỉ đơn thuần phục vụ mục đích vui chơi giải trí, cầu lộc, cầu tài, cầu thăng quan, tiến chức. Cùng với đó là quá nhiều những xô bồ, bất cập đã khiến cho những lễ hội hoàn toàn mất đi giá trị tâm linh, tinh thần.

Trước tiên cần phải khẳng định rằng lễ hội có những giá trị to lớn, tích cực có ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của con người. Chính vì lý do ấy mà từ hàng trăm năm qua, lễ hội vẫn được duy trì trong đời sống cộng đồng với những sắc màu đặc trưng của nó.

Nguyên nhân đầu tiên của những thay đổi, biến tướng ấy chính là do sự đứt đoạn về văn hóa, sự đánh mất nền tảng hiểu biết với quá khứ. Vì chiến tranh, vì những quan niệm ấu trĩ, sai lầm một thời đánh đồng lễ hội với mê tín, dị đoan nên trong một thời gian dài các lễ hội đã bị chặt đứt khỏi đời sống của cộng đồng cả ở góc độ vật chất lẫn tâm thức.

Khi chúng ta tái lập các hoạt động lễ hội, do sự đứt đoạn ấy mà người ta đã thiếu hiểu biết dẫn đến làm sai lệch, thậm chí xuyên tạc, biến tướng lễ hội. Người ta tổ chức lễ hội, tham dự lễ hội như một sự cầu may đầu năm mà không hiểu ý nghĩa của hoạt động này. Ở nhiều lễ hội, người ta ra sức nhét tiền vào tay thần, tay Phật như thể không hối lộ, không “phong bì” thần, Phật thì sẽ không được nhận lại may mắn.

Hàng loạt lễ hội được phục dựng nhưng lễ hội nào cũng được khoác một chiếc “áo đồng phục” nên xảy ra hiện tượng lễ hội nào cũng na ná như nhau. Lễ hội bị đơn điệu hóa. Người ta không biết rằng mỗi lễ, hội lại có một hồn cốt riêng.

Đi cùng với sự đơn điệu hóa đó là sự trần tục hóa, thương mại hóa làm mất đi sự thiêng liêng. Người ta lợi dụng lễ hội để thu lợi bất chính, ép buộc, bắt chẹt người đi trẩy hội, đặc biệt là lợi dụng tín ngưỡng trong lễ hội để “buôn thần bán thánh” là những điều hoàn toàn đi ngược lại tính linh thiêng, văn hóa của lễ hội, đẩy lễ hội rớt xuống mức thấp nhất của đời sống trần tục.

Nguyên nhân thứ hai, chính là do xu hướng quan phương hóa các lễ hội. Nói một cách đơn giản đó là sự can thiệp quá sâu của chính quyền vào các hoạt động lễ hội. Văn hóa nói chung, trong đó có sinh hoạt lễ hội là sáng tạo của nhân dân, do nhân dân và vì dân. Đó là cách thức mà người dân nói lên những mong ước, khát vọng tâm linh, thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của mình.

Do vậy, từ bao đời nay, người dân bỏ công sức, tiền của, tâm sức của mình ra để sáng tạo và duy trì sinh hoạt lễ hội. Đó chính là tính nhân bản, khát vọng dân chủ của người dân. Các sinh hoạt này hoàn toàn khác với các nghi thức, lễ lạt của triều đình phong kiến trước kia và chừng nào cả với lễ hội mới của nhà nước hiện nay.

Trong việc phục hồi và phát huy lễ hội cổ truyền hiện nay, dưới danh nghĩa là đổi mới lễ hội, gắn lễ hội với giáo dục truyền thống, gắn lễ hội với du lịch... đây đó, ở những mức độ khác nhau người ta đã áp đặt một số mô hình định sẵn, làm cho tính chủ động, sáng tạo của người dân bị suy giảm. Thậm chí họ còn bị gạt ra ngoài sinh hoạt văn hóa mà vốn xưa là của họ, do họ và vì họ. Chính xu hướng này khiến cho lễ hội mang nặng tính hình thức, phô trương, “giả tạo”, mà hệ quả là vừa tác động tiêu cực tới chủ thể văn hóa, vừa khiến cho du khách hiểu sai lệch về nền văn hóa dân tộc.

Điều mà chúng ta có thể làm hiện nay đó là bằng nhiều hình thức khác nhau, giúp người dân có được những những hiểu biết về văn hóa tín ngưỡng và lễ hội. Những nền tảng tri thức ấy sẽ giúp họ điều chỉnh hành vi của mình. Và quan trọng hơn, chính quyền cần phải tôn trọng vai trò chủ thể văn hóa của nhân dân bằng cách trả lại các lễ hội cho cộng đồng.

GS-TS Ngô Đức Thịnh
(UV Hội đồng di sản văn hóa quốc gia)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.