Chữ tâm của hoàng đế Quang Trung

29/01/2012 01:42 GMT+7

Cách đây 223 năm, chiến thắng Đống Đa vào mùng 5 tết đã kết thúc năm ngày đại phá quân Thanh của vua Quang Trung. Một chiến thắng mùa xuân hiển hách có một không hai trong lịch sử chống xâm lược của Việt Nam!

Cách đây 223 năm, chiến thắng Đống Đa vào mùng 5 tết đã kết thúc năm ngày đại phá quân Thanh của vua Quang Trung. Một chiến thắng mùa xuân hiển hách có một không hai trong lịch sử chống xâm lược của Việt Nam!

Ngày 25 tháng chạp năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế của Đại Việt đã phát động một cuộc hành quân thần tốc chưa từng có, chỉ mất năm ngày từ Phú Xuân (Huế) tới Biện Sơn, Tam Điệp, Thanh Hóa.

Rồi đến đêm trừ tịch, ngày 30 tết, quân Quang Trung vượt sông Gián Thủy, tiêu diệt hàng loạt đồn binh quân Thanh từ Phú Xuyên, Hà Hồi, Ngọc Hồi và cuối cùng Đống Đa.

Vua Quang Trung đích thân chỉ huy trận chiến Hà Hồi, Ngọc Hồi. Tại Ngọc Hồi, trận chiến đã xảy vô cùng ác liệt, vua đã phải rời voi sang cưỡi ngựa, hăng hái đốc thúc quân sĩ xung phong hạ đồn giặc. Hoàng đế Quang Trung nêu gương sáng gan dạ của thiên tài quân sự bách chiến bách thắng, đánh tan tành đội quân gần 30 vạn do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy, lúc đến thì hùng hùng hổ hổ, ngạo mạn bao nhiêu thì thất bại nhanh chóng bấy nhiêu, chạy thục mạng qua cầu phao theo sông Hồng về nước.

Bài học lịch sử thật quý giá, dù đại thắng quân sự như thế, hoàng đế Quang Trung vẫn trọng sự hòa hiếu với nước láng giềng, cử sứ thần sang nhà Thanh cầu hòa, cầu phong, rồi cho Phan Công Trị làm giả vương sang chầu hoàng đế Càn Long nhà Thanh.

Còn nhân dân đã lập am chúng sinh thờ cả quân ta lẫn quân địch ở khu gò Đống Đa.

Hiện nay từ gò Đống Đa có đền thờ trung liệt; qua bên kia đường, trước đây là đường thiên lý Nam Bắc về Thăng Long, chính là am Chúng sinh. Hiện am Chúng sinh nằm trong chùa Đồng Quang. Trong đó hiện còn di tích bốn chữ Hán Nghĩa trũng lệ đài, nơi từng lập đàn cầu siêu những vong linh bên ta và bên địch trong trận chiến Đống Đa năm xưa, đã nói lên tinh thần nhân văn của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là truyền thống nhân bản, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo” của người Việt.

Hiện người dân còn thờ vua Quang Trung trong Nghĩa trũng lệ đài; cũng như gần đó tại chùa Bộc, người dân thờ tượng vua Quang Trung, trên đầu tượng có chữ tâm.

Chữ tâm là tấm lòng của vị hoàng đế, đại anh hùng dân tộc không chỉ với chiến công hiển hách mà còn là tấm lòng với văn hóa, giáo dục Việt. Quang Trung là vị hoàng đế đã quyết định dùng chữ Nôm trong văn bản chính thức của triều đình. Quang Trung cũng là vị hoàng đế rất trọng hiền tài, đã coi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp là người thầy; đích thân hoàng đế Quang Trung đến thăm thầy và mời tham gia chính sự.

 Chữ tâm mà người dân Thăng Long Hà Nội xưng tụng hoàng đế Quang Trung đã nói lên truyền thống võ đạo cũng như tinh thần thượng võ của người Việt Nam. Con nhà võ Nguyễn Huệ, bách chiến bách thắng, đại anh hùng dân tộc lại có cái tâm hồn Việt, trọng văn hóa Việt, bản sắc Việt.

Từ cái “Nhân” của am Chúng sinh thờ cả bên ta lẫn bên địch đến chữ “Tâm” trên đầu hoàng đế Quang Trung chính là nét độc đáo của văn hóa Việt, bản sắc Việt.

 Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (tiến sĩ sử học)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.