Làng nhà giáo văn hóa

30/01/2012 00:51 GMT+7

Làng Quảng Đức, xã Cam Hiệp Nam, H.Cam Lâm (Khánh Hòa) được nhiều người gọi là “làng giáo viên”, “thung lũng sư phạm” vì trong số 390 hộ dân đã có gần 140 giáo viên đang đứng lớp (không kể hàng chục nhà giáo đã nghỉ hưu). Ở làng, có những gia đình 3 thế hệ theo nghề giáo viên như gia đình thầy Nguyễn Đức Thương có 8 người, gia đình thầy Trần Minh Hải có 9 người… Còn những gia đình 1, 2 người làm giáo viên thì nói như ông trưởng làng Nguyễn Đình Cần là “kể không xuể”.

Trước năm 1975, chiến tranh ác liệt, trong số hơn 300 hộ dân tỉnh Quảng Trị di cư vào Khánh Hòa lập nghiệp có 17 giáo viên từng giảng dạy ở quê nhà. Khi đến vùng đất mới, những giáo viên này vẫn tích cực gieo chữ cho con em trong làng. Những ngày đầu, không trường lớp nên thầy trò dạy và học tạm tại các nhà dân.

 
Người dân làng Quảng Đức cùng nhau nhặt rác vào sáng mùng 4 tháng giêng năm nay - Ảnh: Nguyễn Chung

Ông Nguyễn Đức Thương (78 tuổi) nói: “Khi đó giáo viên buổi đi dạy, buổi phải lên rẫy trồng mì. Khó khăn là thế nhưng các thầy cô vẫn rất tâm huyết với nghề, học sinh rất hiếu học. Trong mỗi kỳ thi học sinh giỏi, thi ĐH-CĐ, học sinh làng Quảng Đức luôn đạt kết quả cao. Đa số con em trong làng đều thi vào ngành sư phạm nên số giáo viên trong làng ngày càng đông”. Từ năm 2004, để thúc đẩy việc học, làng còn có phong trào “Tiếng kẻng học bài”. Mỗi ngày kẻng đánh 2 lần: lúc 5 giờ sáng để các em thức dậy học bài trước khi đến lớp và 7 giờ tối để các em ôn lại bài đã học.

Làng Quảng Đức còn có truyền thống nhặt rác đầu năm. Cứ vào sáng mùng 4 tết Nguyên đán, từ cụ già đến trẻ nhỏ tay cầm gậy, tay cầm túi đi nhặt rác. Rác ngoài đường đến rác trong bụi cây đều được dọn sạch từ đầu làng đến cuối xóm. Tục nhặt rác đầu năm xuất phát từ ý tưởng của thầy trụ trì chùa Từ Đức, đã duy trì hơn 10 năm nay và trở thành một nét đẹp trong việc bảo vệ môi trường của làng.

Nguyễn Chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.