Nếu như người anh hùng Nguyên Vũ trong Thiên mệnh anh hùng vượt qua bao hiểm nguy đã hoàn thành sứ mệnh đem lại bình yên cho dân chúng, thì bản thân bộ phim cũng là một “kẻ mở đường” dũng cảm khai thông bế tắc lâu nay của dòng phim lịch sử - dã sử Việt Nam.
>> Bất ngờ với "Thiên mệnh anh hùng"
>> Gian nan làm phim sử Việt
|
Cách đây không lâu, loạt bài Gian nan làm phim sử Việt đăng tải trên Thanh Niên (sau một loạt phim lịch sử - dã sử được triển khai nhân dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long) đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Trong loạt bài này, chúng tôi đã ghi nhận nhiều ý kiến nêu rất nhiều khó khăn chủ quan và khách quan của những nghệ sĩ, nhà sản xuất tâm huyết với dòng phim này, mà theo đó đã làm cho dòng phim này rơi vào bế tắc: tư liệu lịch sử ít và thiếu; trường quay chuyên nghiệp không có; thiết kế trang phục, đạo cụ gặp nhiều khó khăn; kinh phí đầu tư quá lớn trong khi “đầu ra” phập phù và khó thu quảng cáo; phim làm xong lại hay bị “soi” dễ khiến nghệ sĩ nản lòng... Đó cũng là những nguyên nhân lý giải cho việc phim lịch sử - dã sử chỉ rộ lên vào dịp đại lễ (có cả phim thực hiện bằng ngân sách nhà nước lẫn tư nhân) rồi tiếp tục... bất động, mặc dù dân ta vẫn “đói” phim sử ta.
Do đó, khi dự án Thiên mệnh anh hùng được công bố đã có không ít ý kiến tỏ ra nghi ngại. Bộ phim mang nhiều dữ kiện lịch sử này được thực hiện chẳng “nhân dịp” lễ lạt, ngày kỷ niệm nào cả, mà đích đến của nó rất rõ ràng: chiếu tết. Đó là thời điểm các bộ phim nội cạnh tranh với nhau khốc liệt nhất, và lâu nay mùa tết đã được “mặc định” là mùa của những phim vui tươi nhẹ nhàng. 10 năm trở lại đây, khi phim nội bắt đầu trở lại chiếm lĩnh thị trường mùa tết, tết Nguyên đán chưa từng có một phim lịch sử - dã sử nội địa nào được tung ra. Có nghĩa là, Thiên mệnh anh hùng sẽ là phim đầu tiên mang yếu tố lịch sử trong nội dung ra rạp dịp tết, nhưng muốn được chú ý phim cũng sẽ phải mang tính giải trí cao.
Với 2 yêu cầu đó, việc xác định thể loại “võ hiệp kỳ tình” cho bộ phim là một quyết định khôn ngoan của đạo diễn Victor Vũ. Ở thể loại này, yếu tố hư cấu được đẩy lên rất cao để thể hiện cái nhìn về nhân vật, về lịch sử, quan điểm đối với cuộc sống của người sáng tác, trong khi những dữ kiện lịch sử chỉ đóng vai trò làm nền để chuyện phim diễn ra.
Một khi đã xác định rõ thể loại, Thiên mệnh anh hùng quả thực đã tránh được những soi xét không cần thiết từ phía các nhà chuyên môn, để cuốn người xem theo câu chuyện hư cấu về hành trình tìm cách giải oan cho vụ án Lệ Chi viên của Nguyên Vũ - người cháu nội của Nguyễn Trãi, mà người xem không phải bận tâm rằng đứa cháu ấy có thật hay không, chuyện bức huyết thư là thật hay giả, bà hoàng thái hậu ngày xưa có cư xử như thế không… Hành trình ấy mang dáng dấp hành trình quen thuộc của nhiều hiệp khách trong dòng phim võ hiệp kỳ tình: gia quyến mắc nạn, lưu lạc, vô tình học được tuyệt kỹ, tình cờ làm quen với mỹ nhân rồi được cùng nàng sánh vai hành tẩu giang hồ, bị kẻ xấu lợi dụng cho những âm mưu tàn độc… Tuy nhiên, với một mô típ, người ta có hàng ngàn cách để xử lý, và Thiên mệnh anh hùng chiếm được thiện cảm của khán giả khi cho người xem thấy đó là câu chuyện của một nhân vật người Việt, mang tính cách Việt, với những quan hệ xã hội và bối cảnh lịch sử Việt Nam nhờ vào sự chăm chút cho chi tiết của các nhà làm phim, từ tạo hình nhân vật, nói năng, đến phục trang, cảnh trí... Đó là một thành công đáng ghi nhận của Thiên mệnh anh hùng trong việc góp phần “hóa giải” nỗi lo lắng thường trực của các nhà làm phim ta khi thực hiện phim có dính đến yếu tố lịch sử (làm thế nào để phim ra tránh được búa rìu của các nhà sử học).
Lạ mới là yếu tố quyết định Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, trong cuộc gặp gỡ với chúng tôi gần đây, nói như đinh đóng cột rằng qua quan sát các phim ăn khách trên thị trường VN, anh nhận ra rằng đã đến lúc phải thay đổi quan niệm. Theo anh, ngày trước ta hay đề cao tầm quan trọng của câu chuyện, rằng một bộ phim hấp dẫn phải nhất thiết có một câu chuyện hay. Nhưng giờ đây, lạ mới là yếu tố quyết định. Với những gì Thiên mệnh anh hùng đã làm được, thì câu chuyện về những cái “lạ” mà bộ phim mang lại vẫn còn dài... |
Phạm Thu Nga
Bình luận (0)