Với Việt Nam, lễ hội hay đi viếng cảnh chùa đầu năm vốn là tập tục đẹp mang đậm nét tâm linh. Sau một năm lao động hay làm ăn mệt nhọc căng thẳng, việc đi lễ hội hay đi chùa đầu năm với nhiều người là một cách làm nhẹ mình, trút bỏ những nặng nề phiền muộn trong năm cũ, và hy vọng những điều tốt đẹp ở năm mới.
Từ những lễ hội đầu năm, nhà nước lại khuyến khích du lịch và coi đó là một điểm để kích cầu du lịch trong năm.
Nhu cầu tâm linh là một nhu cầu có thật, và càng ở một xã hội hiện đại với nhiều đổi thay và cả bất trắc, nhu cầu ấy càng trở nên mạnh mẽ. Thế nhưng, với một bộ phận dân chúng và quan chức bây giờ, nhu cầu tâm linh đã biến thành một nhu cầu mang tính thực dụng cao. Người ta quyết “cầu cho được” những điều mình muốn, kể cả những điều ích kỷ hay bất thiện, và họ bất kể những “phương pháp” cầu cúng, miễn làm sao được “nhanh nhất, nhiều nhất, tốt nhất” những gì họ ước muốn cho bản thân và gia đình mình.
Vì thế, những ngôi chùa, những địa danh mang tính linh thiêng trở thành những “mục tiêu chinh phục” trong những cuộc “tấn công tâm linh” đầu năm của hàng vạn người. Khi vàng mã không còn đủ độ “ép phê”, người đi cầu cúng đã ném cả... tiền ngân hàng (mệnh giá thấp) vung vãi, như một cách để “hối lộ” thần linh và những oan hồn uổng tử. Họ đã đánh đồng hai thế giới thực và ảo, và muốn đưa cả những tệ nạn của thế giới thực áp đặt vào thế giới ảo. Lễ chùa đầu năm, vì thế, biến thành cảnh chen lấn sì sụp vung vãi rất bát nháo với những đám đông người hừng hực khí thế chen lấn để “xin bằng được, cầu bằng hết”. Chẳng lẽ, đó lại là lễ hội tâm linh và văn hóa “đậm đà bản sắc dân tộc”?
Tín ngưỡng là một nhu cầu tự nhiên và thiêng liêng. Nhưng, cũng như văn hóa, tín ngưỡng luôn hướng thiện, luôn hướng về cộng đồng, luôn vô tư và trong sáng. Tín ngưỡng không bao giờ đồng nghĩa với thực dụng và ích kỷ. Tôi nghĩ, nếu thánh thần có thật, các Ngài cũng không bao giờ phù hộ cho những ai muốn lợi dụng các Ngài để làm những điều tồi tệ, để được hưởng lợi cho riêng mình bất chấp cộng đồng và cả những điều răn dạy thiêng liêng.
Khi lễ hội đầu năm bày ra những cảnh phản văn hóa và tín ngưỡng, thậm chí giẫm đạp lên văn hóa và tín ngưỡng, thì ngành văn hóa không thể chối bỏ trách nhiệm của mình ở đó. Sự thiết lập trật tự, văn minh cho lễ hội đầu năm là hết sức cần thiết. Và việc “cắt đuôi thực dụng” cho nhu cầu tâm linh là việc cả xã hội và mỗi người phải suy ngẫm sâu sắc và tự làm cho mình. Có thể thấy, sự chen lấn giẫm đạp trong các lễ hội mang tính tâm linh đầu năm phản ánh sự chen lấn giẫm đạp trong các quan hệ xã hội. Và sự mất trật tự, bát nháo ở lễ hội cũng phản ánh những phần mất trật tự và bát nháo trong hành xử của cá nhân và cộng đồng.
Thanh Thảo
Bình luận (0)