Kịch cần chất “nóng”

01/02/2012 11:23 GMT+7

Vở Tốt - xấu - giả - thật thắng lớn bởi nói lên được những điều công chúng đang quan tâm, mở ra xu hướng dựng kịch vừa bảo đảm tính giải trí có chất lượng vừa có tầm tư tưởng và tính nhân văn cao.

Vở Tốt - xấu - giả - thật thắng lớn bởi nói lên được những điều công chúng đang quan tâm, mở ra xu hướng dựng kịch vừa bảo đảm tính giải trí có chất lượng vừa có tầm tư tưởng và tính nhân văn cao.

Đông kín người xem kể từ suất diễn đầu, chưa năm nào doanh số Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM mang lại niềm phấn khởi lớn cho đội ngũ làm nghề như năm nay. Niềm vui không chỉ là vở được chọn để chiêu đãi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong suất diễn vào mùng 2 Tết mà còn được sự đón nhận, hưởng ứng của công chúng đối với một vở kịch đi vào khai thác những vấn đề bức xúc của cuộc sống hôm nay.


Từ trái sang: Nghệ sĩ Thanh Hoàng, Cát Tường và NSƯT Việt Anh trong vở Tốt -xấu - giả - thật

Trách nhiệm nghệ sĩ

Thời gian qua, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM (5B Võ Văn Tần) ít dựng vở diễn có đề tài gai góc, mà nói theo những nhà chuyên môn “5B né tránh những vấn đề nhạy cảm của cuộc sống”. Do vậy, ngay từ khi đưa lên sàn tập, đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc đã xác định với ê kíp diễn viên tham gia vở Tốt - xấu - giả - thật (tác giả Nguyễn Thu Phương) 3 yếu tố cần tránh: không tập vội, không tự hài lòng và không hời hợt trong diễn xuất.

Theo lý giải của ông: “Nhiều năm gần đây, phim truyền hình cuốn hút một lực lượng lớn diễn viên, với cường suất lao động rất cao làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dàn dựng, tập luyện và biểu diễn của các sàn kịch. Nghệ sĩ kịch vì vậy không còn tâm trí để sáng tạo cho vai diễn, rồi tất cả lại hài lòng với mức độ làm việc dễ dãi đến buồn tẻ. Và kết quả là nhiều vở diễn ra đời mà bản thân tôi – thành viên của Hội đồng Nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM - cảm thấy buồn mỗi khi đến duyệt phúc khảo”.

Chính từ sự đồng thuận cao của ê kíp thực hiện mà vở Tốt - xấu - giả - thật đã có những bước chuẩn bị thật tốt để bảo đảm được yếu tố giải trí nhưng không tách rời với đời sống xã hội hiện nay, đi vào những vấn đề mà xã hội đang bức xúc, con người đang quan tâm.

Giống như vở Dạ cổ hoài lang (tác giả Thanh Hoàng, đạo diễn Công Ninh) từng khuấy động dư luận sau khi bước ra sàn diễn từ một cuộc thi sân khấu quần chúng, kịch bản Tên trộm đêm giao thừa cũng từng đoạt giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc vận động sáng tác kịch bản hài do Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TPHCM tổ chức và cũng đã được diễn chung trong chùm kịch Giấc mơ vui trước đây của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM.

Tên trộm đêm giao thừa kể về một anh Tư Liều quá nghèo phải đi ăn trộm trong đêm giao thừa, mong có được một cái Tết no ấm cho các con, nhưng rồi từ những việc làm bất lương đó, anh trở nên giàu nghị lực hơn khi nhìn ra được lỗi lầm và sự hèn nhát của mình.

Cái tứ “Làm giàu nhân cách từ một lỗi lầm nhỏ” đã hướng đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc tìm ra nhiều vấn đề mang tầm khái quát hơn cho các số phận trong câu chuyện kịch Tốt - xấu - giả - thật. Ông đã bàn bạc, trao đổi với tác giả để đi đến việc hoàn thiện một câu chuyện có đủ chất hỉ, nộ, ái, ố và tập hợp nhiều góc nhìn về cuộc đời qua “phương thuốc thử mầu nhiệm” của một vị giáo sư, để từ đó vở diễn lung linh hơn, cuốn hút khán giả ngay từ phút giây đầu tiên. Lấy giả định để khẳng định: Chẳng có thứ thuốc nào nhiệm mầu hơn chính ý thức sống phải có trách nhiệm với bản thân mình và xã hội của mỗi người.

“Thuốc thử” doanh thu

Ban đầu vở kịch được dàn dựng nhằm tham gia Liên hoan Sân khấu Hài toàn quốc 2011 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức nhưng rồi không có mấy vở của sân khấu miền Nam đăng ký nên liên hoan này không diễn ra ở khu vực phía Nam, nhờ vậy vở Tốt - xấu - giả - thật đến được với khán giả trong dịp Tết. Có ý kiến cho rằng vở sẽ khó đạt doanh thu, cũng có ý kiến nói “cứ diễn cho có vở mới, chứ không tin sẽ thành công”. Nhưng rồi liều thuốc thử của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ đã đạt hiệu quả ngoài mong muốn. Phòng vé lúc nào cũng quá tải khán giả, doanh thu đạt kỷ lục, các suất diễn buổi chiều được tăng thêm.

Nhìn lại các vở diễn Tết để thấy yếu tố gây cười, lộ trình tìm cái hài rồi buộc nó hợp lý trong chiêu trò của diễn viên đã làm cho khán giả phát ngán. Cũng như mọi năm, các vở diễn đều vui vẻ là chính, không đọng lại điều gì cho người xem và chính điều đó là nguyên nhân khiến một số sàn diễn phải đóng cửa nhiều suất diễn, vé bán chậm, thậm chí có đơn vị phải thay đổi kịch mục. Hoặc lượng vở diễn có đề tài ma quỷ, đồng tính đã có lúc làm giới chuyên môn lo ngại.

Xem ra, vở Tốt - xấu - giả - thật đã có câu trả lời thú vị: Hãy nghiêm túc với chính mình sẽ được công chúng đón nhận. Tính nghiêm túc bao giờ cũng cần thiết vì công chúng sẽ quay lưng với những vở diễn dễ dãi. Tốt - xấu - giả - thật thắng lớn bởi nói lên được những điều công chúng đang quan tâm. Tốt - xấu - giả - thật cũng sẽ mở ra xu hướng dựng kịch vừa bảo đảm tính giải trí có chất lượng nhưng có tầm tư tưởng và tính nhân văn cao. Đời sống sân khấu không thể tách rời đời sống xã hội.

Để con người sống thật và tốt hơn

Tốt - xấu - giả - thật dẫn dắt khán giả đi thẳng vào vấn đề cốt lõi của đời sống hôm nay: Cái giả nhiều quá! Cái xấu nhiều quá! Làm sao để có cái thật? Làm sao để có cái tốt?

Xuyên suốt câu chuyện, trong khát vọng “cồn cào” đi tìm cái thật, cái tốt cho cuộc đời, một nhà khoa học tóc lúc nào cũng dựng ngược (Thanh Hoàng) cố nghiên cứu làm các loại thuốc có thể biến đổi và tái tạo nhân phẩm cho con người, cuối cùng nhận ra chỉ có chính sự thật và lòng tốt sẵn có trong mỗi người mới làm cuộc đời này trở nên tốt hơn, thật hơn, con người sống với nhau tử tế hơn…

Toàn chuyện xấu, chuyện giả, chuyện lừa mà nước mắt cứ ứa ra cùng với tiếng cười của khán giả trong cảm xúc bi, hài đan xen. Bằng nghệ thuật xây dựng hình tượng mang tính giả định và ẩn dụ, một thông điệp sâu sắc và đầy tính nhân văn đã được các tác giả và diễn viên gửi tới người xem một cách rất thông minh, hóm hỉnh nhưng cũng thật giản dị và mộc mạc.

Cuộc đời sẽ còn lại những gì nếu như chỉ có cái xấu và cái giả ngự trị? Vậy ta hãy cố gắng sống thật hơn, sống tốt hơn với mình, với người và với đời. Có thể chỉ là một chút thôi cũng được. Nhưng với mỗi một chút ấy, từng ngày, từng giờ, cuộc sống sẽ đổi thay.

Ðạo diễn Lê Quý Dương

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.