Theo một báo cáo toàn cầu công bố gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã đạt được hiệu quả đáng kể trong các chương trình phòng chống HIV.
Vấn đề đáng được ghi nhận nữa là việc điều trị 2.0 - một sáng kiến của WHO và chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), ra đời năm 2010 và đang được thử nghiệm tại Việt Nam.
Với điều trị HIV 2.0, người nhiễm HIV sẽ chỉ uống một viên thuốc kháng virus duy nhất mỗi ngày thay vì phải uống 3 viên thuốc khác nhau theo cách điều trị hiện thời. Việc thí điểm đang được thực hiện tại 12 xã, phường của tỉnh Điện Biên từ tháng 9-2011.
Theo PGS-TS Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, trọng tâm thí điểm điều trị HIV 2.0 là việc phân cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị toàn diện xuống đến tuyến xã. Đây là bước đột phá nhằm tăng số người nhiễm HIV được chẩn đoán và điều trị sớm, hướng tới loại bỏ lây truyền HIV từ mẹ sang con, tăng hiệu quả điều trị và tính bền vững của chương trình phòng chống HIV/AIDS.
Việt Nam đang có những bước tiến vượt bậc trong phòng chống HIV. Theo ông Gramham Harrison, quyền đại diện của WHO tại Việt Nam: “Cam kết ngăn chặn dịch HIV của Việt Nam đã mang lại tiến bộ trong các chương trình dự phòng lây nhiễm, chăm sóc và điều trị HIV”.
Báo cáo của WHO cho thấy Việt Nam đang là một trong những quốc gia đi đầu trong việc cung cấp bơm kim tiêm sạch cho những người tiêm chích ma túy. Số phòng khám methadone đã tăng mạnh, từ 4 phòng tại 2 tỉnh vào năm 2009 lên 39 phòng khám tại 11 tỉnh vào năm 2011, điều trị methadone cho hơn 6.000 người nghiện heroin.
Số người tham gia xét nghiệm HIV và biết tình trạng nhiễm của mình trong nhóm người tiêm chích ma túy tại Việt Nam đã tăng từ 11% (năm 2008) lên 18%, tỉ lệ này trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới đã tăng từ 16% lên 19% và trong nhóm nữ bán dâm đã tăng từ 15% lên 34%.
Cũng theo báo cáo của WHO, Việt Nam đang có nhiều tiến bộ trong xây dựng mô hình chăm sóc toàn diện về HIV nhằm giúp những người sống với HIV tuân thủ và duy trì điều trị. Chương trình chăm sóc tại gia đã giúp số người duy trì điều trị tăng 30% trong khoảng thời gian 2009 - 2010 tại các quận, huyện tham gia chương trình này. WHO cũng cho biết Việt Nam đã cung cấp điều trị được cho khoảng 52% những người sống với HIV đủ điều kiện tham gia điều trị.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)