Tìm cách giải cứu thuyền viên bị cướp biển bắt giữ

01/02/2012 03:46 GMT+7

Ngày 31.1, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho hay sau khi có thông tin các thuyền viên VN trên tàu cá Shiuh Fu-1 (Đài Loan) bị cướp biển Somalia bắt giữ gọi điện thoại về nhà thông báo đây là lần cuối bọn cướp biển cho liên lạc về gia đình, Cục đã đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan liên quan ở nước ngoài làm việc với phía chủ tàu và công ty quản lý tàu phía Đài Loan để đảm bảo an toàn cho các lao động.

Ngày 31.1, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho hay sau khi có thông tin các thuyền viên VN trên tàu cá Shiuh Fu-1 (Đài Loan) bị cướp biển Somalia bắt giữ gọi điện thoại về nhà thông báo đây là lần cuối bọn cướp biển cho liên lạc về gia đình, Cục đã đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan liên quan ở nước ngoài làm việc với phía chủ tàu và công ty quản lý tàu phía Đài Loan để đảm bảo an toàn cho các lao động.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐ), mặc dù trong hơn 1 năm qua, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã có nhiều công văn thúc giục chủ tàu và công ty quản lý tàu, nhưng do cướp biển Somalia ra giá quá cao nên chủ tàu không có tiền để trả, vì vậy, việc đàm phán cho đến nay vẫn chưa kết thúc. Theo Cục QLLĐ, mục tiêu của bọn cướp biển là đòi tiền chuộc nên trước tết Nguyên đán, cướp biển cho các lao động gọi điện về nhà nhằm ép chủ tàu không được lùi giá. Cục QLLĐ cho biết trong vòng 1 tháng nữa, Cục Lãnh sự sẽ can thiệp mạnh để giải cứu các thuyền viên VN.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Đình Tuân, Trưởng phòng Đài Loan (Công ty Inmasco), cho biết hơn một năm qua phía công ty và chủ tàu thường xuyên liên lạc, báo cáo thông tin về đàm phán với các cơ quan hữu quan. Mặc dù đã bám sát, thúc giục chủ tàu nhưng đây là vấn đề quốc tế, nằm ngoài phạm vi can thiệp của doanh nghiệp. Dù bị cướp biển giam giữ, các thuyền viên vẫn được nhận lương hằng tháng.

Tàu đánh cá Shiuh Fu-1 (Đài Loan) bị cướp biển Somalia bắt giữ ngày 25.12.2010 tại vùng biển ngoài khơi Madagascar thuộc Ấn Độ Dương. Trên tàu có 26 thủy thủ, trong đó 12 thủy thủ Việt Nam do Công ty cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ (Inmasco) thuộc Tổng công ty Cienco 1; Công ty thương mại và dịch vụ tổng hợp Hà Nội (Servico) và Công ty TNHH một thành viên Vạn Xuân đưa đi.

T.Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.