(TNTS) Thế giới có nhiều Nàng Tiên Cá nhưng chỉ Nàng Tiên Cá ở Copenhagen (Đan Mạch) mới được hàng triệu người thương nhớ và đến thăm mỗi năm.
Copenhagen - có nghĩa là "Cảng của các nhà buôn" - thủ đô của Vương quốc Đan Mạch, thành lập năm 1167. Thành phố nằm trọn trên 2 đảo Amager, đảo Slotsholmen và một phần phía đông đảo Zealand, nối liền với nhau bằng nhiều cây cầu và đường hầm xuyên qua biển. Trước đó, Copenhagen chỉ là một làng nhỏ của ngư dân. Tuy nhiên, nhiều dấu tích khảo cổ lại khẳng định từ thời Viking (thế kỷ VIII - XI) làng quê này đã hiện hữu. Thành phố phát triển mạnh từ thế kỷ XVIII với nhiều công trình được xây dựng như Quảng trường Kongens Nytorv, Quảng trường Tòa Đô chính Radhuspladsen, nhà thờ Đức Bà, tu viện dòng Fanxico, nhà thờ thánh Phê rô, nhà thờ thánh Nicolai... Dù trải qua nhiều đại nạn như trận dịch hạch năm 1711 (làm chết 1/3 dân số thành phố), trận hỏa hoạn năm 1728 (thiêu hủy 1/4 thành phố), trận hỏa hoạn năm 1795 hay trận dịch tả năm 1853, Copenhagen vẫn lưu giữ được những giá trị lịch sử văn hóa lâu đời. Thành phố không có nhà chọc trời và rất thân thiện với môi trường.
Nếu nước Mỹ có tượng Nữ thần Tự do, Hà Lan có cối xay gió, Pháp có tháp Eiffel... thì Đan Mạch có Nàng Tiên Cá - the Little Mermaid, tuyệt phẩm điêu khắc về người cá Havfruen. So với tầm vóc và bề thế, Nàng Tiên Cá chỉ nhỉnh hơn Manneken Pis - chú bé đứng tè ở Brussels, Bỉ một chút. Nàng cao 1,25 m, nặng 175 kg, xõa tóc ngồi đợi chờ trên tảng đá, nhìn xa xăm xuống vịnh Oresund. Bức tượng gắn liền với truyện cổ của văn hào Christian Andersen (1805 - 1875). Nàng Tiên Cá được Carl Jacobsen, con trai nhà sáng lập hãng bia Carlsberg đặt làm năm 1909, sau khi ông xem vở ba lê cổ tích cùng tên. Tượng làm bằng đồng, hoàn thành ngày 23.8.1913 bởi nhà điêu khắc Edward Eriksen (1876 - 1954), lấy hình mẫu từ chính vợ mình là Eline Eriksen.
|
99 năm qua, Nàng Tiên Cá nhỏ bé xinh đẹp đã trải qua nhiều tai nạn vì sự ganh tị bệnh hoạn. Năm 1964, nàng bị chặt đầu rồi ném mất. Sau đó, nàng có đầu mới, trẻ hơn mình tới 51 tuổi. 20 năm sau khi "sống lại", năm 1984, nàng bị cưa tay phải. Vài ngày sau, tên "sát tượng" đem tay nàng trả cho các bác sĩ "phẫu thuật" nối lại hoàn chỉnh. Năm 1998, đầu nàng bị chém lìa khỏi cổ. Năm 2003, nàng bị chất nổ hất tung xuống biển. Chưa có bức tượng nghệ thuật nào trên thế giới phải chịu sự hành hạ nhỏ nhen và dã man đến thế. Nàng Tiên Cá, cả trong truyện và ngoài đời đều rất đẹp, rất đáng yêu cơ mà. Bộ phim Nàng Tiên Cá do hãng Walt Disney sản xuất năm 1989 đã làm say mê hàng trăm triệu khán giả khắp năm châu, nhất là các bạn nhỏ.
Tháng 3.2010, lần đầu tiên, nàng được đi du lịch vòng quanh thế giới bằng tàu thủy, để đến dự Expo Thượng Hải từ tháng 5 đến tháng 11.2010. Trong vòng 8 tháng nàng đi vắng, tại chỗ nàng thường ngồi, luôn có hình nàng bằng ánh sáng laser kèm những hình ảnh được truyền trực tiếp từ Thượng Hải, nơi nàng đang dự hội chợ để quảng bá cho quê hương mình. Sự vắng mặt của nàng tạo nên khoảng trống không thể thay thế. Nhiều người dân thủ đô nói rằng: "Thật khó mà tưởng tượng, nếu Copenhagen không có Nàng Tiên Cá". Tôi đứng bên cạnh nàng, mông lung nhìn ra vịnh Oresund cực đẹp và suy nghĩ vẩn vơ. "Cần gì những bức tượng khổng lồ, hết kỷ lục này đến Guinness nọ. Chỉ cần tượng thực sự có hồn, đặt đúng chỗ, đúng thời điểm thì dù tầm vóc khiêm tốn cũng làm thiên hạ kinh ngạc". Thế giới có nhiều Nàng Tiên Cá nhưng chỉ Nàng Tiên Cá ở Copenhagen mới được hàng triệu người thương nhớ và đến thăm mỗi năm.
|
Cách đây mấy năm, lần đầu đến Hà Lan, tôi đã choáng vì Amsterdam có nhiều xe đạp. Khi đến Đan Mạch thì phát hoảng vì xe đạp tràn ngập. Có thể khẳng định Copenhagen mới là thủ phủ của ngựa sắt đạp. Người dân Đan Mạch tự hào khi nói về văn hóa xe đạp. Người người đi xe đạp, từ dân thường cho tới quan chức, kể cả các bộ trưởng và hoàng gia. Nhà nào cũng có năm ba chiếc xe đạp. Chị Signe Josson, phụ trách báo chí Bộ Ngoại giao Đan Mạch cho biết: "Hầu hết viên chức thủ đô đều đi làm bằng xe đạp. Quan chức cao cấp đạp xe tới sở là chuyện thường". Mọi người đi xe đạp để rèn luyện sức khỏe, để tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Chính quyền không ngồi trong xế hộp hô hào mà trực tiếp làm gương cho thiên hạ. Năm 2011, nhờ đi xe đạp, thủ đô Nàng Tiên Cá đã cắt giảm được khoảng 60.000 tấn khí thải CO2. Hệ thống đường xe đạp ngày mỗi phát triển. Các dịch vụ cho mượn xe miễn phí có mặt khắp nơi.
Tôi đã bỏ ra 20 krone (khoảng 80.000 đồng) tiền cọc (khi trả xe sẽ được hoàn lại) để lấy chiếc xe đạp, hòa vào dòng người thong dong khắp phố cổ và những con đường rợp bóng cây. Cảm giác sảng khoái, thanh bình, thân thiện và thật dễ chịu. Chợt mơ về Sài Gòn và Hà Nội xa xưa, nhộn nhịp ngựa sắt. Bây giờ thì xô bồ gắn máy, mịt mờ khói bụi. Ai cũng hoài niệm tiếc nuối "Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu!". Lại nhớ cuối tháng 11.2011, thái tử Frederik, người sẽ kế vị ngai vàng của nữ hoàng Margethe đệ nhị đã đạp xe quanh hồ Hoàn Kiếm với các bạn trẻ Việt Nam, kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường.
Nhiều người Việt qua Đan Mạch thường thắc mắc: "Xứ giàu gì mà dân toàn đi xe đạp. Ở Việt Nam bây giờ nghèo cũng có xe gắn máy, thậm chí mỗi nhà mấy chiếc". Ước mơ của nhiều người Việt Nam là từ xe đạp nâng cấp lên xe gắn máy rồi chuyển lên xe hơi, còn ở Đan Mạch thì khác. Họ cần cuộc sống cân bằng, chất lượng với môi trường trong sạch và bền vững. Bà Connie Hedegaard - Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Đan Mạch, đồng thời là Cao ủy Liên minh châu Âu về khí hậu, vẫn thường đi xe đạp đến công sở. Bà từng được tạp chí Times bình chọn vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2009 vì những hoạt động hiệu quả, liên tục, không mệt mỏi của bà cho môi trường sống nhân loại.
Copenhagen còn có rất nhiều điểm kỳ thú. Ở lại vài ba ngày cũng chỉ mới "cưỡi ngựa xem hoa". Stroget là con đường cổ nhất thủ đô, phố đi bộ dài hơn 2 km, với rất nhiều quán ăn từ khắp nơi trên thế giới, từ Ý, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil đến Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam... Mỗi cửa hiệu, mỗi nhà hàng là một bộ sưu tập mini về trang trí và vật dụng. Dạo chơi trên kênh đào Nytory bằng thuyền rất thú vị. Thuyền trôi nhẹ giữa hai bờ của những ngôi nhà truyền thống cổ xưa, sặc sỡ sắc màu và những quảng trường cổ kính, rộng lớn. Amelienborg, được xem là một trong những cung điện đẹp nhất châu Âu, xây dựng từ cuối thế kỷ XVIII. Tivoli, rộng hơn 80.000m2 là khu giải trí 5 sao hoành tráng với đủ loại hình và dịch vụ hấp dẫn. Buổi tối Tivoli đãi khách bằng dạ hội ánh sáng của trên 100.000 bóng đèn màu rực rỡ.
Đến Copenhagen không uống bia thì nên ở nhà. Bia Đan Mạch đa dạng về chủng loại vẫn hương vị. Quảng trường Tòa đô chính Rahusplatsen và đường Stroget là những điểm uống bia lý tưởng. Hình ảnh các chú ngựa Jysk lông xù, chở đầy những thùng bia tươi nặng trĩu, dạo bước quanh quảng trường, như một cách PR hấp dẫn. Mỗi quán bia có phong cách độc đáo riêng theo nhãn hiệu như Carlsberg, Tuborg, Jacobsen Brown Ale, Killkenny, Guiness, Guld, Someby... Nhà hàng Det Little Apotek - có nghĩa là "hiệu thuốc nhỏ", số 15 đường Kannikestraede, cách Stroget vài phút đi bộ vẫn giữ được nét xưa cách đây gần 300 năm. Trước năm 1720 đó là hiệu thuốc nhỏ từ thiện, sau thành quán rượu - nơi Andersen và nhiều nhân vật nổi tiếng từng đến nhâm nhi. Vào quán thưởng thức món cá herring truyền thống ăn với dâu, mứt dưa cải và bánh mì khô rất ấn tượng. Quán không ồn ào mà tĩnh lặng. Uống bia mà cứ như uống trà. Bên cạnh là chiếc bàn để trống nơi ngày xưa Andersen thường đến "ngồi đồng". Cảm giác như vẫn gặp ông ngồi đó, ung dung suy nghĩ để tìm ý cho những cốt truyện cổ để đời.
Nguyễn Văn Mỹ
Bình luận (0)