Lễ hội đền Trần những năm gần đây đã trở thành một trong những sự kiện văn hóa điển hình về… tính lộn xộn, làm sai lệch ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.
Giới học giả cho rằng để lễ hội đền Trần năm 2012 thành công và hạn chế được các bất cập như những năm trước thì công tác tuyên truyền nhằm "giải thiêng” những nhận thức sai lầm đóng vai trò quyết định.
Thanh Niên đã mời một số nhà khoa học cùng lên tiếng về vấn đề này. Người đầu tiên mà chúng tôi trò chuyện là GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa.
Xin GS cho biết bản chất của việc khai ấn thời Trần?
Hội đền Trần vốn là nghi lễ mang tính cung đình. Nghi lễ khai ấn vào thời Trần cũng là điều có thật. Vào thời Trần, chúng ta gần như có hai kinh đô: một là kinh đô Thăng Long, hai là Thiên Trường. Nó bắt nguồn từ việc các vị vua rút lui sớm, trở thành Thái thượng hoàng để cho con tập sự việc cầm quyền nhà nước. Các vị vua Trần sau đó lui về quê Thiên Trường, nơi phát tích của dòng họ Trần, nhưng vẫn theo dõi sát công việc của hoàng đế ở Thăng Long.
Thiên Trường càng trở nên đặc biệt hơn bởi cả ba lần chống quân Nguyên Mông, các vị vua Trần đều rời khỏi Thăng Long để lui về đó. Chính sử chép, đầu tháng giêng ngày mười tư, nhà vua từ Thăng Long về vấn an Thái thượng hoàng và nhân dịp đó làm lễ khai ấn. Việc khai ấn chỉ là việc mở đầu công việc triều đình hằng năm. Về bản chất, nó cũng tương tự như lễ khai canh, khai sơn (mở cửa rừng), mở hàng của người buôn bán, khai bút đầu xuân, động thổ vậy… Nó cầu mong một sự mở đầu tốt đẹp, một năm mới may mắn theo tâm thức “đầu xuôi đuôi lọt”.
Như vậy, hoàn toàn không có chuyện đây là nghi lễ ban thưởng công, chức tước như nhiều người tô vẽ?
Không hiểu tại sao sau này người ta tô vẽ lên chuyện đó là nghi lễ ban thưởng công, chức tước cho các quan lại. Thậm chí người ta còn gắn chuyện đó với việc ba lần đánh quân Nguyên Mông và ban thưởng chức tước cho những người có công thì thật phi lịch sử.
|
Và nghi lễ khai ấn qua thời gian có biến đổi không, thưa ông?
Thời Trần, khai ấn thuần túy là một nghi lễ, chứ không có hội. Lịch sử chép thời đó, Thái sư Trần Quang Khải cho dạy cung nữ múa bài bông để đón vua vào những dịp này. Rõ ràng, khai ấn là một nghi lễ mang tính cung đình.
Chuyện làm “sống lại” lễ khai ấn đền Trần từ dân gian chính là xu hướng “nhà nước hóa” lễ hội”
|
|
GS Ngô Đức Thịnh |
Sau khi nhà Trần sụp đổ, cơ cấu quyền lực hai nơi đã mất, không rõ trong những triều khác có làm lễ khai ấn không. Nhưng điều hay của khai ấn còn nằm ở chỗ dân gian vẫn lưu giữ nó. Sau khi nhà Trần mất, con cháu dòng tộc của nhà Trần vẫn còn lưu giữ phong tục đó của tổ tiên, nhưng không mang tính chất cung đình mà đã dân gian hóa. Khai ấn do đó chỉ còn là chuyện hằng năm người ta vẫn tổ chức nghi lễ. Trong đó, cái ấn được in ra và thường được phát cho bảy hoặc tám, chín đền phủ xung quanh. Chỉ thuần túy thế thôi chứ không có chuyện phát cho dân.
GS từng nói, thập niên 1990 lễ khai ấn đền Trần vẫn còn nguyên vẹn như từng có trong dân gian. Sau đó, ông có biết tại sao nó thay đổi không?
Những năm thập niên 1990 tôi xuống Nam Định thì thấy mọi chuyện vẫn nguyên vẹn. Nhưng sau đó, cùng với việc trùng tu quy mô lớn đền Trần, đất nước chúng ta đón nhận không khí cởi mở trong đời sống tín ngưỡng và lễ hội, tỉnh Nam Định muốn xây dựng nghi lễ đền Trần thành một lễ hội quy mô lớn của tỉnh, trong đó nghi lễ khai ấn là một trong những trọng tâm của lễ hội.
Chuyện làm “sống lại” lễ khai ấn đền Trần từ dân gian chính là xu hướng “nhà nước hóa” lễ hội, muốn đưa nó thành lễ hội tiêu biểu của tỉnh. Từ đó, người ta bắt đầu nghĩ cách cắt nghĩa sai tính chất ban đầu của nghi lễ này, giải thích sai ý nghĩa lịch sử và đưa ra tư tưởng phát ấn ban thưởng cho người có công.
Vậy theo GS, làm thế nào để trả đúng bản chất cho lễ khai ấn đền Trần?
Tôi vẫn nghĩ tốt nhất nên trả lễ khai ấn đền Trần về cho cộng đồng, cho nhà đền tổ chức. Việc khai ấn là của nhà nước đã được dân gian hóa rồi thì nên trả lại nó cho dân gian. Việc nhà nước địa phương can thiệp quá sâu sẽ tạo ảnh hưởng xấu cho lễ hội. Từ sau khi nhà Trần mất tới những năm 1990, lễ khai ấn vẫn tồn tại bình thường. Chỉ khi nhà nước can thiệp vào nó mới biến đổi lộn xộn như thế. Đó cũng là một bài học đối với việc làm thay đổi vai trò chủ thể của lễ hội truyền thống.
Đền Trần Thái Bình sẽ không phát ấn Lễ hội đền Trần tại Khu di tích đền thờ các vua Trần (xã Tiến Đức, H.Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) sẽ diễn ra từ ngày 4-6.2 (13-15 tháng giêng). Ngày 9.2 sẽ diễn ra lễ giỗ thái tổ Trần Thừa. Đây là năm thứ ba UBND H.Hưng Hà tổ chức lễ hội đền Trần. Nhiều nghi lễ, sinh hoạt văn hóa truyền thống sẽ diễn ra trong lễ hội: tế mở cửa, lễ rước nước, lễ bái yết, thi cỗ cá, kéo co, pháo đất, hoạt cảnh chèo... Trong buổi họp báo chiều 1.2, ông Nguyễn Hồng Chuyên - Chủ tịch UBND H.Hưng Hà - khẳng định ban tổ chức chưa từng cho biết lễ hội được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam như nhiều báo đưa tin, ban tổ chức cũng không có ý định “cạnh tranh” với lễ hội đền Trần ở Nam Định hay đặt ra ý định mở rộng quy mô lễ hội. Tuy nhiên theo ông, ban tổ chức đang cố gắng nâng cấp, trùng tu khu di tích, đưa thêm các sinh hoạt văn hóa dân gian để đáp ứng nhu cầu của khách thập phương. Năm nay sẽ không có việc phát ấn và không công bố số tiền thu được từ mùa lễ hội. Ông Chuyên cho hay ban tổ chức không bán vé vào cổng, không phát ấn, vì vậy số tiền có được là tiền cung tiến của khách thập phương, cũng chỉ đủ để duy trì việc tôn tạo các công trình nhỏ, trang trí, hoạt động văn hóa dân gian. Minh Ngọc |
Ngô An
(thực hiện)
Bình luận (0)