Chợ nổi Cái Răng (TP.Cần Thơ) được nhiều người biết tiếng. Thế nhưng không phải ai cũng biết ở chợ này có một “sân khấu” rất đặc biệt, đó là chiếc ghe “đờn ca tài tử”!
Con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu, con sáo sang sông con sáo đậu hiên... nhà...Tiếng ghi ta phím lõm ngọt ngào cùng câu vọng cổ vô thiệt mùi phát ra từ chiếc ghe có tấm bảng hiệu vẽ khá màu mè CÀ-PÊ LÝ-TÀI CA CỔ TÀI TỬ đang bập bềnh trong sóng nước chợ nổi Cái Răng. Chủ nhân của chiếc ghe tài tử này là Lý Hùng, học chưa hết cấp 1. Lý Hùng tên thật là Nguyễn Văn Lượm (51 tuổi, quê quán P.Long Tuyền, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ). Anh lấy tên đứa con trai cưng là Lý Tài làm “thương hiệu” cho quán nổi độc đáo này.
Sân khấu…nổi
20 năm trước, do không thể lo đủ miếng ăn cho gia đình bằng “nghề” cắt lúa và đào đất mướn nên Lý Hùng quyết định dùng chiếc ghe tam bản sẵn có mua nước đá cây chở ra chợ nổi bán kiếm lời. Trời thương, mỗi ngày ông kiếm được mười mấy ngàn đồng, đủ “mua một thùng gạo ăn cả chục ngày mới hết”! Chuyện ăn thì khỏi phải lo từng bữa như trước, nhưng cũng chẳng tích cóp được bao nhiêu; trong khi chiếc ghe ngày càng xuống cấp, có lỗ mội bự. Không tiền sửa, ông lấy đất sét trét bịt, đậy tấm ván và đạp lên cho nước bớt vô xuồng. Hàng ngày, chồng chèo ghe vòng quanh chợ nổi bán nước đá, vợ ngồi… tát nước. Thi thoảng buồn miệng, ông cất tiếng ca mấy câu vọng cổ, được mọi người khen… mùi.
|
Rồi khi nghe ông đờn, họ hô “ngọt” và phong cho ông nghệ danh Lý Hùng. Biết tài ông, dân chợ nổi-nhất là tài công mấy chiếc tàu du lịch- khuyến khích ông chuyển qua phục vụ ca cổ trên chợ nổi để tăng thêm thi vị, hấp dẫn khách du lịch và cải thiện cuộc sống. Vậy rồi người cho ông mượn 5 triệu, kẻ giúp 10 triệu đồng... Góp gió thành bão, ông mua chiếc trẹt, nhạc cụ cùng dàn âm thanh khoảng 30 triệu đồng. Một ngày tháng 6.2011, ông “khai trương” ghe ca cổ Lý Tài, thu hút ngay một số khách ghé thưởng thức. Con trai Lý Tài (4 tuổi) của ông nếu được khách “mời” sẽ phục vụ bản “Cháu lên 3”...
Thế Nhân là người duy nhất tiếp ông, vừa ca cổ nhạc vừa ca tân nhạc. Thế Nhân tên thật Nguyễn Văn Nhân, là thành viên trong ban ca nhạc phường An Bình (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Năm nay 46 tuổi, ngoài phục vụ ca hát tiếp Lý Hùng, Thế Nhân sống bằng nghề mua bán trái cây trên ghe máy. Anh mua nông sản ở Phong Điền chở tới bán cho mấy chiếc ghe lớn hoặc sang tay cho chiếc ghe nào ưng giá.
Tây cũng hát vọng cổ
Để thu hút thêm khách, người ta khuyên Lý Hùng phục vụ ăn uống. Lý Hùng rất khoái món bún nước lèo của một quán gần bờ sông, bèn viết trên bảng hiệu của mình: “Bún nước lèo Sóc Trăng”. Nào dè tay chủ quán bún không chịu “xuống sông”, cũng không hé răng chỉ bí quyết nấu nướng, nên bảng chỉ quảng cáo... suông! Lý Hùng than: “Nếu mướn thợ nấu, tệ lắm cũng phải trả 2 triệu rưỡi một tháng. Tui hổng kham nổi. Còn vợ tui thì nấu ăn dở ẹc”…Do hoàn cảnh như thế, nên “quán” ông chỉ phục vụ cà phê, giải khát, bia và một số trái cây. Chỉ có vậy nhưng khách ghé “quán” khá đông, giúp ông sống được. Lý Hùng kể một kỷ niệm vui: bữa đó có 2 chiếc tàu lớn, mỗi tàu chở 40 khách cùng ghé vào. Do lượng khách quá đông so với sức chứa của “quán” nên người ta phải tổ chức “bắt thăm”, ai trúng mới được lên nghe ca cổ, số còn lại phải ngồi dưới tàu…nghe ké!.
Cũng theo lời Lý Hùng, thường ngày, khách thưởng thức ca cổ ghe ông khá đông, có cả khách ở miền Bắc, miền Trung và… khách Tây nữa. “Có ông Tây nghe tui hát xong liền “nhào” lên hát. Ca cổ đàng hoàng nghen, rành một cây”, Lý Hùng kể. Gần đây, thấy không gian “quán” hẹp quá, Lý Hùng mượn 2 chỉ vàng mua chiếc ghe khác ráp lại.
Bây giờ ghe của ông khá rộng nhưng vẫn không đủ sức chứa một lượng khách lớn. Cũng như bao người khác sống trên chợ nổi Cái Răng, bà Nguyễn Thị Kim Chưởng (50 tuổi, vợ Lý Hùng) có chiếc ghe nhỏ bán “rảo” cà phê, nước đá, nước ngọt. Con gái lớn của họ lấy chồng về tuốt Bạc Liêu, cô con gái thứ hai phục vụ nước uống tại quán, nên cuộc sống gia đình Lý Hùng cũng tương đối ổn. Tuy nhiên, Lý Hùng chép miệng tiếc rẻ do dàn âm thanh của ông thường bị khách chê vì đang ca ngon lành bỗng dưng nổi chứng kêu “rọt rẹt”, rất khó chịu. Lý Hùng đang gắng sức chạy tiền sửa cái am-pli cho nó hết… rọt rẹt để khách có thể nghe trọn vẹn tiếng đờn giọng ca hòa điệu ngọt ngào trên sóng nước Cần Thơ.
Phương Kiều
Bình luận (0)