Đầu năm, tấp nập thị trường vàng mã Hà Nội

04/02/2012 12:36 GMT+7

Cứ dịp đầu năm, thị trường vàng mã thủ đô lại tấp nập, đặc biệt là thời điểm nửa đầu tháng giêng, người người vào “mùa” dâng sao, giải hạn.

Tại phố Hàng Mã - nơi được coi là trung tâm mua sắm “các mặt hàng âm phủ” (ảnh) - người người chen chúc đông không kém thời điểm trước tết. Tại phủ Tây Hồ, hàng mã cũng được bày bán rất nhiều. Ngoài việc mua để hóa ngay tại phủ, nhiều người có quan niệm mua vàng mã ở đây “thiêng” hơn!

 

Bên cạnh các đồ vàng mã truyền thống như: Tiền, vàng, sớ, quần áo, giày - dép, mũ, nón... thì thị trường vàng mã còn đa dạng mẫu mã, chủng loại... hiện đại. Từ những mặt hàng rẻ tiền đến các mặt hàng cao cấp như biệt thự cao tầng, máy bay, ôtô, các loại xe tay ga, tivi, tủ lạnh và cả Iphone 4S, IPad 2... Hàng được nhập về từ Bắc Ninh, Hưng Yên hay huyện Thường Tín (Hà Nội)..., có loại còn được nhập từ Trung Quốc. Đặc biệt trong thị trường vàng mã đầu năm, mặt hàng giấy mã hình rồng luôn đắt hàng.

Với quan niệm “trần sao, âm vậy”, nhiều người không tiếc khi bỏ ra số tiền lớn mua đồ hàng mã, ví như: Một xe máy có giá từ 80.000 - 150.000 đồng; xe ôtô khoảng 200.000 - 300.000 đồng/chiếc. Một số khách hàng còn đặt mua cả nhà lầu, biệt thự, những mặt hàng này thường có giá khá đắt, thấp nhất cũng hơn 1 triệu đồng, những loại to hơn có giá trên 10 triệu đồng.

Chị Nga - chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã - cho biết: Những mặt hàng bán chạy nhất là tiền âm phủ, vàng, mũ, quần áo. Những mặt hàng sang hơn cũng khá chạy trong dịp này.

Từng dòng người nối nhau trên phố Hàng Mã với lỉnh kỉnh những đồ lễ vừa sắm được. Nhiều gia đình thậm chí còn thuê cả xe tải chuyên chuyển đồ đến để chở đồ lễ. Một số người dân còn cho biết, đây cũng mới chỉ là số đầu, còn đợi thầy phán thêm gì sẽ bổ sung nốt. “Thiếu gì chứ thiếu đồ xuống cho các cụ, các cụ quở trách cho; chẳng những hạn không được giải mà lại còn rước thêm cái họa nặng. Mình không thể lơ là được” – một khách hàng tên là Minh cho biết. Ước tính sơ sơ vào đống đồ lễ trên tay, chị Huyền – một khách hàng tại chợ Mơ - cho biết đã phải chi đến gần 2 triệu đồng, nhưng vẫn chưa đủ.

Trong quan niệm của người Á Đông, việc cúng bái theo nghĩa “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” đã ăn sâu vào tiềm thức từ xưa đến nay. Tuy nhiên, nhiều người đã vô hình làm méo mó đi đức tin đó bằng những hành động phi truyền thống theo kiểu “mạnh ai nấy thờ” khi ném vào đống lửa từ vài trăm đến vài triệu đồng cho đồ cúng, lễ thì đó là việc làm không nên. Đó là chưa kể hàng loạt những loại phí thủ tục kéo theo khi làm lễ, số tiền tiêu tốn thật không hề nhỏ chút nào.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.