Nga trở lại châu Á - Thái Bình Dương

06/02/2012 03:44 GMT+7

Theo giới quan sát, “sốt ruột” trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự quay lại của Mỹ nên Nga bắt đầu khẳng định hiện diện tại khu vực.

Trong tuần qua, tàu khu trục Đô đốc Panteleyev, tàu cứu hộ Fotiy Krylov và tàu chở dầu Boris Butoma thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga thăm hữu nghị Indonesia và Philippines. Trong đó, dư luận đặc biệt chú ý chuyến thăm ở Philippines vì nước này đang có nhiều động thái tăng cường an ninh sau những diễn biến đáng quan ngại trong khu vực. “Đây là lần đầu tiên tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga thăm Philippines sau 96 năm”, RIA-Novosti dẫn lời phát ngôn viên của hạm đội là Roman Martov cho hay.

Phát ngôn viên hải quân Philippines Omar Tonsay nhấn mạnh: “Chuyến thăm hướng tới tăng cường quan hệ hữu nghị song phương thông qua hàng loạt sự kiện nhằm nâng cao hợp tác và hiểu biết lẫn nhau”. Tuy vậy, khi được phỏng vấn, ông Tonsay không bình luận về những suy đoán rằng chuyến thăm có liên quan tới tranh chấp ở biển Đông, theo báo Philippine Daily Inquirer.

Nhắm tới 2 mục tiêu?

Thế nhưng, theo giới quan sát, chuyến thăm lịch sử của tàu chiến Nga không chỉ đơn thuần là nhằm tăng cường tình hữu nghị. Nhà phân tích an ninh Trevor Hollingsbee cho rằng Nga muốn đóng vai trò trung lập nhưng nước này cũng có thể đang quan ngại một ngày nào đó Trung Quốc sẽ độc chiếm biển Đông. Đây không những là tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới mà còn là nơi có nhiều công ty dầu khí Nga đang thăm dò, khai thác. Báo South China Morning Post (SCMP) của Hồng Kông dẫn lời ông Hollingsbee nói: “Vài nhà phân tích tin rằng chuyến thăm của đội tàu chiến Nga có thể xuất phát từ việc Moscow muốn gửi một thông điệp tới Bắc Kinh”.

Chuyên gia Hollingsbee còn nhận định chuyến thăm là dấu hiệu cho thấy Nga hy vọng sẽ bán được khí tài quân sự cho chương trình tăng cường sức mạnh quốc phòng của Philippines. Cách đây hơn một tuần, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Hernando Manalo tuyên bố Manila định chi hơn 2 tỉ USD từ đây tới năm 2020 cho việc hiện đại hóa quân đội. Theo ông Hollingsbee, việc Philippines vừa mua 8 trực thăng PZL W-3 Solkol của Ba Lan, vốn được dựa trên các thiết kế thời Liên Xô, đã khích lệ Nga tiếp tục đeo đuổi thị trường này.


Tàu khu trục Đô đốc Panteleyev đến Philippines ngày 31.1 - Ảnh: Navaltoday.com 

“Ưu tiên châu Á - Thái Bình Dương”

Trong một thời gian dài, tuy châu Á - Thái Bình Dương, nhất là Đông Nam Á, vẫn là thị trường chính cho vũ khí của Nga nhưng sự hiện diện của nước này trong khu vực bị đánh giá tương đối trầm lắng. Theo giới quan sát, tình hình đã thay đổi khi Trung Quốc ngày càng tìm cách gia tăng ảnh hưởng cũng như có những động thái cứng rắn. Thêm vào đó, tuyên bố của Mỹ tăng cường hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương khiến Nga phải nhanh chóng có động thái. Mới đây, RIA-Novosti dẫn lời Tổng thống Dmitry Medvedev khẳng định Nga là một phần không thể tách rời của châu Á - Thái Bình Dương. “Sự hợp tác với các nước khu vực trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, cũng như các quá trình liên kết khu vực là ưu tiên của chúng tôi”, ông Medvedev nói. 

Mặt khác, trước khi đến Philippines, đoàn tàu chiến Nga đã thăm Indonesia từ ngày 19-22.1, với nhiều hoạt động giao lưu. Indonesia là một tiếng nói lớn trong ASEAN, và theo một số chuyên gia nước này cũng rất lo lắng khi bản đồ đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc “liếm” sát họ. Gần đây, Indonesia ký hợp đồng mua 6 máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Nga trị giá 470 triệu USD, theo tờ Jakarta Post.

Bên cạnh đó, trong chuyến thăm Fiji tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố: “Châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Moscow. Nga đang có nhiều đối tác quan trọng tại đây”.

Về mặt quân sự, Nga dự kiến sẽ nhận 2 tàu chiến đa năng Mistral mua của Pháp vào khoảng năm 2014-2015. Theo kế hoạch, một trong 2 tàu này sẽ được biên chế vào Hạm đội Thái Bình Dương và đến trấn giữ nhóm đảo tranh chấp nam Kuril/Vùng lãnh thổ phía bắc với Nhật Bản. Giới quan sát đánh giá động thái của Moscow tăng cường phòng thủ nhóm đảo không chỉ để đối phó Tokyo mà đằng sau còn có một chủ ý sâu xa là tìm lại vị thế của mình ở châu Á - Thái Bình Dương cũng như dè chừng Bắc Kinh. Theo Tân Hoa xã, nhóm đảo trên có vị trí địa lý quan trọng, là cửa ngõ tiến ra Thái Bình Dương cho hạm đội Nga.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.