Sống bằng trái tim người khác

06/02/2012 08:36 GMT+7

Năm 2011, lần đầu tiên các bác sĩ VN đã thực hiện thành công ca ghép tim từ người cho chết não. Người may mắn ấy hiện bình phục và trở lại cuộc sống đời thường. 

Sự kiện của năm 2011

GS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế (BVTƯ), người chủ trì đề án và trực tiếp thực hiện ca ghép tim, nhớ lại: “Lúc 14 giờ ngày 28.2.2011, thông tin có nguồn tạng hiến từ người cho chết não tại BVTƯ Huế được phát đi. Ê kíp ghép tim nhanh chóng được triệu tập. Người hiến tim là một bệnh nhân chết não, sau khi đã làm tất cả các xét nghiệm lâm sàng, được hội đồng y khoa của bệnh viện kết luận là đã chết não lâm sàng và người nhà bệnh nhân đồng ý cho lấy tim. Đến 15 giờ ngày 1.3, hội đồng chuyên môn hội chẩn lần cuối và quyết định chọn bệnh nhân Trần Mậu Đức, đang được điều trị chờ ghép tim có những đặc điểm tương đồng miễn dịch cũng như đáp ứng những yêu cầu chuyên môn của tạng hiến". 22 giờ ngày 1.3, cuộc phẫu thuật ghép tim được bắt đầu. Ê kíp ghép tim được huy động khoảng gần 100 cán bộ khoa học của bệnh viện (tham gia trực tiếp và gián tiếp) đã thực hiện trong 5 tiếng (kết thúc vào lúc 3 giờ ngày 2.3).

 
Ghép tim cho bệnh nhân Trần Mậu Đức - Ảnh: C.T.V

Ca phẫu thuật được thực hiện theo kỹ thuật ghép tim đồng vị trí với hai miệng nối tĩnh mạch chủ, đây là một kỹ thuật tuy hơi phức tạp so với kỹ thuật ghép tim cổ điển 2 tâm nhĩ, vì phải thực hiện tới 5 miệng nối. Nhưng kỹ thuật này có ưu điểm là tận dụng mô tâm nhĩ lành của quả tim hiến giúp cải thiện tình trạng loạn nhịp tim cũng như hạn chế máu phụt ngược qua van 2 lá và van 3 lá, đặc biệt phù hợp với độ tuổi còn rất trẻ của bệnh nhân. Đây cũng là một kỹ thuật mới lần đầu tiên được thực hiện ở VN, phù hợp xu hướng phát triển kỹ thuật mổ ghép tạng thế giới.

“Khác với gan, thận và các bộ phận khác… mỗi con người chỉ có một trái tim. Nên việc chấp nhận hiến tặng trái tim để cứu lấy sự sống cho người khác là điều không hề dễ dàng với người dân miền Trung, mà đặc biệt là ở Huế, vốn rất coi trọng đời sống tâm linh. Sau thành công, chúng tôi đã dành một khoảng lặng để tri ân trái tim đã cống hiến cho khoa học, chuyển hóa sự sống trong lồng ngực của người khác. Không chỉ có niềm vui của ca ghép tim thành công mà đó còn là niềm vui vì đã có một chàng trai tìm  thấy lại phần đời tươi trẻ để trở về với vợ con” - GS Bùi Đức Phú tâm sự. 

Cúng giỗ trong ngày hồi sinh

Trần Mậu Đức cho biết, từ khi sinh ra đến lớn lên em hoàn toàn khỏe mạnh. Sau khi tốt nghiệp THPT, không thi đỗ đại học, Đức làm phụ thợ hồ ở các công trình xây dựng. Năm 2006, Đức làm cho một chủ thầu thi công công trình ở TP.Đà Nẵng, do tiến độ thi công gấp rút, nhóm công nhân của Đức phải làm tăng ca. Một lần Đức đang làm việc thì thấy đau nhói ở tim và ngất luôn tại công trình. Sau đó, sức khỏe không đảm bảo, Đức nghỉ việc. Về nhà, một lần đi xem chương trình nhạc rock ở Huế, do quá cuồng nhiệt Đức đã ngất ngay dưới khán đài. Bạn bè đưa vào bệnh viện cấp cứu, tại đây các bác sĩ phát hiện Đức bị giãn cơ tim do ráng sức. Sau 1 tháng điều trị, bệnh tim của Đức có thuyên giảm và xuất viện.

Nghĩ bệnh tật của mình không thể làm được việc nặng, Đức xin vào học nghề thợ đóng giày ở TP.HCM. Tại đây, Đức đã gặp Võ Thị Mỹ Nương, đang làm nghề may giày công nghiệp. Cô gái Hậu Giang hiền hậu dù biết Đức bệnh tật vẫn yêu thương bằng sự đồng cảm sẻ chia. Năm 2008, họ cưới nhau và sinh được cháu gái là Trần Thị Mỹ Hương. 

Về người đã hiến tặng trái tim cho mình được sống, Đức nói rằng: "Sau khi em được sống lại, nhiều lần em đã xin bác sĩ cho biết gia đình người cho mình trái tim. Nhưng các bác sĩ nói do yêu cầu của gia đình người cho tim không muốn tiết lộ, nên đến giờ em cũng không biết trái tim đang đập trong người mình là của ai. Ngày em được ghép tim để sống cũng là ngày mà người đó lìa trần, nên bây giờ đến ngày đó em làm một mâm cơm cúng giỗ để tạ ơn người ta. Gia đình em theo Phật nên em nghĩ cách tốt nhất để đền đáp ân tình là mình hãy sống cho tốt, cố làm việc thiện để giúp người khác”.  

Trở lại đời thường

Hiện vợ chồng Đức cùng với vợ chồng một người anh trai sống chung cùng bố mẹ trong căn nhà nằm sâu cuối hẻm số 7 đường Nguyễn Công Trứ. Ngôi nhà tuy không khang trang là mấy, nhưng khá tươm tất và sạch sẽ. Đức là con trai út của ông Trần Mậu Trung làm nghề đạp xích lô; mẹ là Hồ Thị Bòn, bán rau, hành ở chợ Đông Ba. Hằng ngày, mỗi sáng sớm Đức lại chạy xe máy sang chợ đầu mối (ở P.Phú Hậu, TP.Huế) lấy rau, quả cho mẹ và vợ bán. Sau đó, Đức đưa con gái tới lớp học mầm non Xuân Phú rồi ra chợ lấy thức ăn về nhà nấu cơm cho vợ.


Đức chuẩn bị đi lấy hàng ở chợ đầu mối Phú Hậu - Ảnh: Bùi Ngọc Long 

Hằng tháng, Đức phải tái khám để các bác sĩ theo dõi. Trung bình tiền thuốc khoảng 14-15 triệu đồng/tháng, trong đó, ngoài phần bảo hiểm y tế đã chi trả, Đức phải đóng 20%. Nhiều lần Đức tìm đến UBND P.Phú Hội xin xem xét cho mình được hưởng chính sách của hộ nghèo nhưng  không được phường chấp thuận. "Uớc mong lớn nhất của em là được đi học một ngành trung cấp gì đó để kiếm việc làm phù hợp, kiếm ít tiền để lo thuốc thang cho mình và giúp được phần nào cho vợ con bớt khổ" - Đức tâm sự.

Theo thông tin y học được công bố, tại VN hiện có hai người được ghép tim là anh Bùi Văn Nam (49 tuổi, đã có vợ và hai con, ở xã Trực Thái, H.Trực Ninh, Nam Định) và Trần Mậu Đức (26 tuổi, P.Phú Hội, TP.Huế). Ca ghép tim của anh Bùi Văn Nam là ca đầu tiên tại VN do Bệnh viện Quân y 103 thực hiện thành công với sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài, còn ca ghép tim của Đức được ghi nhận là ca ghép tim đầu tiên do ê kíp y bác sĩ VN thực hiện 100%.

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.