Còn nhớ, cách đây mấy năm dư luận trong nước đã rộ lên với rất nhiều bức xúc chuyện “lập kỷ lục” bánh dày, bánh chưng… to nhất, nặng nhất ở lễ hội đền Hùng. Ngay hồi đó, dư luận đã nghiêm khắc cảnh báo về một trò chơi phản văn hóa và gây phản cảm cho cộng đồng: đó là “trò chơi kỷ lục” ở các lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa truyền thống.
Từ khi có “kỷ lục Guinness”, người ta cứ nhầm lẫn rằng bất cứ kiểu lập kỷ lục nào cũng được Guinness ghi nhận và cũng đều... nổi tiếng. Dĩ nhiên, kỷ lục Guinness có thể ghi nhận nhiều kỷ lục lạ lùng, thậm chí hơi quái gở, nhưng nó không hề dính dáng gì tới văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống. Bởi, những nét đặc sắc nhất trong văn hóa mang tính đơn nhất, độc đáo nhiều hơn là nhằm xác lập những kỷ lục.
Hội Lim năm nay, ban tổ chức có “sáng kiến” nhằm “xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam” với tư cách là lễ hội có nhiều người nhất mặc trang phục quan họ và cùng hát dân ca quan họ Bắc Ninh. Cụ thể số người tham gia “lập kỷ lục” này là 2.012 người, để trùng với năm nay 2012. Mới nghe, cứ tưởng đó là một ý tưởng ngồ ngộ nói mà chơi, ai dè, ban tổ chức làm thật. Đó thực sự là một trò cười chứ không phải văn hóa, bởi thêm hay bớt vài người, thậm chí vài chục vài trăm người trong trò chơi này, thì Hội Lim vẫn diễn ra như mọi năm. Nhưng một khi người ta lấy những con số kỷ lục này để PR cho một lễ hội truyền thống như Hội Lim, thì nguy cơ những nét đẹp tinh túy và phi vật thể của một lễ hội được UNESCO công nhận sẽ bị khuất lấp bởi trò chơi “lập kỷ lục” vô bổ và xa lạ với văn hóa đó.
Cũng như, chuyện làm những chiếc bánh chưng, bánh dày kỷ lục nặng hàng mấy tạ để dâng lên các vua Hùng, khiến những chiếc bánh này ôi thiu khi được dâng lễ là một trò chơi bất kính, phản văn hóa và... mất vệ sinh, thì trò “2.012 người mặc trang phục quan họ và hát quan họ” này cũng lố không kém, dù nó mang tính phi vật thể hơn!
Mấy năm qua, nhằm thu hút lượng người tham dự các lễ hội truyền thống, nhiều địa phương đã có những “sáng kiến” tạo cái lạ trong một lễ hội đã quen thuộc với cộng đồng, nhưng hầu hết những “sáng kiến” bất chấp văn hóa như thế đều thất bại và tạo nên bức xúc trong cộng đồng. Bởi trong những tiêu chí để “xác lập kỷ lục” ấy, văn hóa với những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội đã vắng bóng hay bị “đè” bởi những “cái bóng” phi văn hóa.
Hãy cứ để các lễ hội được cộng đồng thể hiện và gìn giữ theo truyền thống, không cần bất cứ một kiểu cách tân nào. Đó là cách tốt nhất để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại.
Thanh Thảo
Bình luận (0)