Người điếc 5 màu

08/02/2012 03:12 GMT+7

Từ 3 năm nay, người dân phố cổ Hà Nội quá quen với một nhóm người bán bưu thiếp và đồ lưu niệm khá đặc biệt.

Từ 3 năm nay, người dân phố cổ Hà Nội quá quen với một nhóm người bán bưu thiếp và đồ lưu niệm khá đặc biệt.

Không chèo kéo khách, cũng chẳng bán giá cao, họ giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu nhưng khách du lịch nước ngoài lại vô cùng thích thú với những sản phẩm thủ công. Họ là nhóm bạn trẻ khiếm thính có tên gọi “người điếc 5 màu”, bởi các màu: đen, đỏ, vàng, xanh và trắng là màu chủ đạo trên sản phẩm họ bán.

Vất vả mưu sinh

Một ngày mưu sinh của nhóm người điếc 5 màu (gọi tắt là nhóm “5 màu”) bắt đầu từ 9 giờ sáng. Rời nhà trọ, họ bắt xe buýt lên phố cổ cho kịp giờ bán hàng vào lúc 10 giờ. Quầy lưu niệm được đặt cố định trên các tuyến phố cổ có đông khách du lịch nước ngoài như: Hàng Bè, Hàng Bạc, Mã Mây… (Q.Hoàn Kiếm) rất gọn nhẹ, tất cả gói gọn ngăn nắp trong một thùng giấy, nào là bưu thiếp, lịch, đồ trang trí, kẹp sách… Chỉ cần mở ra và treo lên cột điện là xong.

Ngày nào cũng vậy, công việc mưu sinh của những bạn trẻ khiếm thính âm thầm, lặng lẽ giữa lòng phố cổ sôi động, ồn ào. Đào Huy Thắng - 20 tuổi (quê Hải Dương) cho biết nhóm “5 màu” gồm 23 thành viên do anh Đặng Trần Thành, cũng là một người câm điếc bẩm sinh sáng lập. Mục đích của nhóm là dạy nghề và tạo việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người điếc, nhằm giúp họ có thể tự kiếm tiền và nuôi sống bản thân.

 Cuộc sống có ý nghĩa hơn khi hằng ngày, những người khuyết tật chúng tôi được sống và làm việc cùng nhau, được học hỏi thêm nhiều kiến thức, được giao tiếp với du khách từ khắp nơi trên thế giới

Nguyễn Văn Nhân (quê Nam Định)

Với người bình thường, lên thành phố mưu sinh còn vất vả, những người khiếm thính còn khó khăn gấp nhiều lần. Qua những dòng chữ nguệch ngoạc viết bằng tay trái, Lê Thanh Lịch - 20 tuổi (quê Phú Thọ) chia sẻ: “Nhờ diễn đàn dành cho người khuyết tật mình mới biết đến nhóm 5 màu. Ban đầu bố mẹ không đồng ý cho mình xuống Hà Nội vì vốn ngôn ngữ của mình còn hạn chế, lại ít khi giao tiếp với những người đồng cảnh ngộ, sợ rằng con gái về thành phố dễ bị lợi dụng, lừa gạt. Phải mất một thời gian khá dài thuyết phục, gia đình đồng ý”. Đào Huy Thắng bộc bạch bằng chữ viết: “Người bán hàng giao tiếp với khách chủ yếu qua lời nói. Điều thiệt thòi nhất của bọn mình là không nói, cũng chẳng nghe được. Nếu là khách người Việt, không hiểu thì mình có thể viết ra giấy. Còn khách nước ngoài thì đành chịu, một chữ tiếng Anh, tiếng Pháp bẻ đôi cũng không biết. Vì thế, nhiều khi không thấy người bán hàng nói gì, du khách lặng lẽ bỏ đi. Những lúc ấy chỉ ước sao mình có thể nói được, có thể giới thiệu ý nghĩa của mỗi tấm bưu thiếp, đồ lưu niệm cho họ hiểu”.

Những trở ngại trên đường mưu sinh lâu rồi cũng quen dần. Mỗi chiếc kẹp sách 20.000 đồng; bưu thiếp giá 30.000 đồng; cuốn lịch bỏ túi giá 40.000 đồng. Đắt nhất, búp bê vải giá 350.000 đồng/bộ. Trừ tiền ăn, chi phí sinh hoạt, trung bình mỗi người cũng kiếm được từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Khác với những người bán hàng rong ở phố cổ, nhóm “5 màu” không bao giờ chèo kéo khách, không bắt chẹt khách nước ngoài và đặc biệt không lấy hoàn cảnh của mình để xin sự thương hại của du khách. Chỉ bằng ánh mắt, nụ cười và tài khéo léo, nhóm bạn trẻ khiếm thính đã khiến nhiều vị khách nước ngoài xiêu lòng, dừng chân mua những sản phẩm thủ công được làm bằng tay từ chất liệu vải, giấy, que tre như: kẹp sách có hình 54 dân tộc Việt Nam, thú nhồi bông, bưu thiếp, đồ chơi, đồ trang trí…

 
Lê Thanh Lịch trong nhóm “5 màu” mời khách nước ngoài mua đồ lưu niệm - Ảnh: Ngọc Thắng

Công việc mang lại niềm vui

Chị Izumi, du khách Nhật bất ngờ và cảm phục trước nghị lực của những bạn trẻ khuyết tật Việt Nam. “Tôi đã chọn được món quà là kẹp sách có hình đôi nam nữ trong trang phục áo dài truyền thống và tấm bưu thiếp có hình hai chú mèo ôm quả tim đỏ tặng bạn trong mùa Valentine năm nay. Chắc chắn người bạn trai sẽ thích món quà nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa, đặc biệt hơn lại do các bạn trẻ khuyết tật Việt Nam làm” - Izumi thổ lộ.

Bám trụ mưu sinh nơi thành phố không phải dễ, nhưng những người khiếm thính quyết không từ bỏ công việc mình đã chọn. Nguyễn Văn Nhân (quê Nam Định) tâm sự qua cây viết: “Công việc này không chỉ giúp tôi có thêm thu nhập mà còn đem lại niềm vui. Cuộc sống có ý nghĩa hơn khi hằng ngày, những người khuyết tật chúng tôi được sống và làm việc cùng nhau, được học hỏi thêm nhiều kiến thức, được giao tiếp với du khách từ khắp nơi trên thế giới”.

Với mong muốn giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, nhóm “5 màu” hiện tiếp nhận những người khuyết tật vào làm việc mà không cần bất cứ điều kiện gì. Bên cạnh hỗ trợ nhau trong công việc, nhóm “5 màu” còn dạy làm đồ thủ công mỹ nghệ.  

Hải Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.